Phương Nam Co LTD
Thi công xây dựng phần thô
© 20/4/2024 - Vietnam12h.com Application
 Đô thị thời tùy – đường (589 - 907) thành lạc dương

                Lạc dương là kinh đô của nhà Đông Hán, một trung tâm sầm uất trong cả thời Tam Quốc và Lục Triều. Đô thị vào thế kỉ VI có khoảng 500.000 dân sống trong một tường thành dài 4km theo hướng bắc – nam và 2,5 km theo hướng đông – tây. Thời kì biến

                động kéo dài (229 – 589) sau khi nhà Hán mất đã không cho phép có những dự án lớn về xây dựng đô thị và phải chờ đến khi nhà Tùy thống nhất đất nước vào cuối thế kỷ VI mới có thể bắt đầu những kế hoạch to lớn được hòan thành vào thời Đường (618 – 907).

                THÀNH TRƯỜNG AN

                Nhà Tùy chọn Trường An là kinh đô với ý đồ xây dựng thành một trung tâm có tầm vóc không đâu sánh bằng, nhưng chỉ mới kịp thiết lập mặt bằng. Việc xây dựng và chỉnh trang thành do nhà Đường làm trong suốt hai thế kỉ trị vì đầu tiên của triều đại này. Vị trí Trường An trước kia đã được nhà Chu, sau đó nhà Tần và nhà Hán chọn do có nhiều ưu thế. Những ưu thế này không chỉ ở chỗ Trường An nằm giữa một vùng trù phú và đông dân, được kết nối với con đường bộ đi vào Trung Á cà con đường thủy đi đến Tứ Xuyên ở phía nam và Sơn Đông ở phía đông. Cũng như trước kia, dựa vào kinh nghiệm và lịch sử, những lập luận có tính biểu tượng đã được đưa ra và dường như chúng đóng vai trò quyết định trong việc chọn kinh đô mới. Các triều đại lớn của Trung Quốc trên thực tế đều thành công ở đây; rất nhiều mộ cổ ở đây cho thấy vô số mối liên hệ với quá khứ lẫy lừng. Nhưng nhà Tùy muốn xây dựng một kinh đô hoàn toàn mới, vì vậy đã không xây lại những gì còn sót và những gì đã bị phá hủy từ thời Hán. Một nơi mới ở phía đông – nam kinh đô cũ được coi là vùng đất với nhiều dấu hiệu tốt đẹp : tiếp giáp vối hai bờ sông ở phía bắc và phía đông, thuận tiện cho việc dẫn thủy.

                Ngoài việc giữ nguyên vô số những đặc trưng lí tưởng của thành thời Chu, Tràng An thời Tùy và thời Đường còn có những nét mới nhờ 2 yếu tố sau:

                . Người chỉ huy xây dựng kinh đô nhà Tùy, một kiến trúc sư, đô thị gia và kĩ sư nổi tiếng, không phải là người gốc Hán, đã từng đến kinh đô của nhiều quốc gia ở phía bắc Trung Quốc và lấy cảm hứng từ những thành phố này.

                . Đầu óc thực tế đã ngự trị trong quan niệm về xây dựng đô thị. Những nét mới chủ yếu của Trường An là: hòang cung được đặt tựa lưng vào bức tường phía bắc của thành; tập trung các phủ bộ của triều đình trong một khu riêng có tường bao bọc và nằm ở phía nam hòang cung; các khu dân cư nằm ở 3 phía đông, nam và tây của tổ hợp cung điện – phủ bộ; lập hai khu chợ không nằm ở phía bắc hoàng cung mà nằm ở phía tây và phía đông thành để đồng thời làm kho tiếp nhận hàng hóa – thực phẩm chở vào thành từ hai hướng tây và đông.

                Mặt bằng thành Trường An chỉ đối xứng một phần. Thành dài 9,721 km từ Đông sang Tây và 8,652 km từ Bắc xuống Nam, diện tích 84 km2  với một tường thành dài 35,5km, rộng 5m có 3 cổng ở mỗi mặt đông, tây, nam và 8 cổng ở mặt bắc. Thành được chia là m 3 phần:

                Ở cực bắc là hoàng cung (2820m x 1492m) được bao bọc bởi một tường thành bằng đất mà chân tường có nơi rộng tới 18m

                Ở phía nam của hoàng cung là hoàng thành (2820m x 1844) gồm các phủ hộ và công thực của triều đình.

                Phần còn lại của thành gồm khu dân cư và khu buôn bán, bao bọc hoàng thành và hoàng cung ở 3 mặt đông, nam và tây.

                Khu hoàng cung và hoàng thành được tách biệt rõ ràng với khu dân cư và chợ búa. Hoàng thành được bao bằng một bức tường thành ở 3 phía đông, nam và tây và ngăn cách với hoàng cung bằng một đại lộ rộng 220m. Trục bắc – nam của thành chia cổng Minh Đức làm 5 cửa ra vào ở chính giữa tường thành phía nam và cũng xuyên qua cổng chính của hòang thành để đến cổng chính điện của hoàng cung. Đại lộ nằm trên trục bắc – nam rộng từ 150m đến 155m, mỗi bên tiếp giáp với một con kênh rộng 3m. Các phố song song với đại lộ chính này rộng 100m, được lát gạch và dẫn đến các cổng khác của hoàng thành.

                Hệ thống tổ chức các khu dân cư là một trong những đặc trưng của đô thị đời Đường. Trục bắc – nam chia thành ngọai (phần kinh thành bên ngòai hoàng cung và hoàng thành) thành 2 quận đông và tây, mỗi quận có cơ quan hành chính và lính canh riêng. Có 11 đường lớn bắc – nam và 14 đường lớn đông – tây chia thành ngọai ta 108 khu dân cư hình vuông hoặc hình chữ nhật. Nhà thơ lớn Bạch Cư Dị (776 – 846), sống ở gần tường đông của Trường An, đã viết “Vạn nhà giống một ván cờ, phố xá như những luống rau”.

                Mỗi một khu dân cư gọi là phường (fang) đều bị bao kín bằng tường riêng. Khu nhỏ nhất, diện tích khoảng 25.000 m2, có 2 cổng ra vào, một ở phía đông, một ở phía tây và một đường phố lớn nối thẳng từ cổng này đến cổng kia. Khu lớn nhất rộng gấp đôi hoặc gấp bốn về diện tích với bốn cổng ở bốn mặt và 2 đại lộ thẳng góc với nhau nối từng cặp cổng.

                Khi trời tối các cổng của các khu này đều đóng và phố xá trở nên vắng vẻ. Các phường thời Đường đã mềm dẻo hơn trong việc theo dõi lẫn nhau. Trong mỗi phường cứ 5 nhà cạnh nhau lập thành một “bảo”, mỗi nhà chịu sự giám sát của bốn nhà kia và của những nhà láng giềng khác. Mỗi phường có một người đại diện có thẩm quyền quản lí hành chính. Các phường đều có một mức độ tự trị nhất định, cư dân trong phường gắn bó với nhau như một tập thể nhờ mối quan hệ huyết thống, tôn giáo hay nghề nghiệp. Bên trong mỗi khu, ngòai nhà ở còn có chùa miếu. Dân cư gồm có quan lại, chủ đất, tăng nhân, thương nhân, thợ thủ công và cả một số đông người nước ngòai. Các thiền viện thường chiếm hết một nửa hoặc thậm chí cả một khu nguyên vẹn. Các đại lộ và các phố bên trong mỗi khu rộng từ 20 m đến 40 m, đều có trồng cây. Ở góc đông – nam của thành có một công viên bao quanh một hồ lớn, bên trong có nhiều đình quán và đường đi dạo, chỉ được mở cho dân chúng vào chơi trong những ngày hội, còn lại quanh năm chỉ dành cho hoàng tộc và những nhà quan lại.

                Hai chợ phía đông và phía tây thành Trường An, trung tâm của thương nhân và thợ thủ công, chiếm diện tích hai khu mỗi chợ trên một đường song song trước hòang thành.

                Bốn đường phố giao nhau đã chia mỗi chợ thành 9 hình vuông, trong đó hình vuông trung tâm là nơi đặt nhà quản lí chợ để kiểm tra cân đong, giá cả và thu thuế. Chợ mở cửa vào buổi trưa bằng những tiếng trống, đóng cửa và 7h15 tối, truớc lúc mặt trời lặn, bằng những tiếng chuông. Cả hai chợ tập hợp đến 220 dãy hàng. Các cửa hiệu buôn bán cùng chủng loại hàng hoặc cùng một nghề thủ công được xếp chung vào một dãy. Những khai quật tiến hành ở vị trí phố nam thuộc chợ phía tây đã tìm thấy rất nhiều tiền thời Đường, những đồ bằng ngọc, những đồ bằng ngọc và đồ trang sức bằng pha lê, mã não.

                Chợ phía tây (927m x 1031m) có những phố nằm trên bờ kênh. Các thư tịch cho biết ở đó có những cửa hàng bán đồ trang sức, cửa hàng rượu vang của các thương nhân đến từ Trung Á và Tây Á. Nhiều đồng tiền và đồng vàng của đế quốc La Mã phía đông được tìm thấy trong các mộ đời Đường ở đây chứng tỏ rằng buôn bán quốc tế đã thịnh hành ở Trường An.

                Mặt bằng kinh đô rộng lớn này là mô hình của rất nhiều đô thị Trung Quốc như Lạc Dương, Hà Nam và ở nước ngoài như kinh đô Nhật Nara xây dựng năm 710. Tương ứng với tầm cỡ lục địa mà nó cai quản, thành Trường An đến cuối thế kỷ VII đã có một triệu dân nội thành, nhưng phân bố không đều vì một số khu là quân trường, trường đấu ngựa hoặc vườn cảnh cho giới quyền qúi. Các khu nhộn nhịp đều ở gần hai chợ, ở đó có một số nhà tầng dùng làm quán ăn hay quán trà. Việc ra vào các khu dân cư dễ dàng hơn (đối với các khu có 2 cổng và 4 cồng thay vì 1 cổng ở đời nhà Hán) cho thấy việc ngăn chia cũng đã bớt nghiêm ngặt và việc đi lại đã tự do hơn ở thời kì này và đến đời Tống thì trở thành chuyện bình thường. Ngoài Trường An và Lạc Dương được xây dựng lại dưới thời Tùy và thời Đường ở vị trí cũ của thế kỷ VI, một số trung tâm đô thị lớn khác của thời Đường cũng được tu sửa lại, đặc biệt là các đô thị buôn bán ở lưu vực sông Dương Tử như Dương Châu (Giang Tô) ở phía đông, Thành Đô (Tứ Xuyên) ở phía tây Trung Quốc. Ở những chỗ giao nhau của các đường giao thông đầu tiên hình thành những chợ trời tạm thời, dần dần phát triển thành những thị trấn cố định và đến thời Tống thì trở thành những đô thị thương mại.

                * Các qui tắc định hướng đô thị Trung Quốc như mặt bằng được vẽ rõ ràng đều đặn, các trục chính Nam – Bắc và Đông – Tây, gợi nhớ cách phân chia các thành phố La Mã.

 

                Nhưng mặt bằng đô thị Trung Quốc lấy nơi vua ngự triều làm trung tâm kinh đô và phủ đường của quan tỉnh làm trung tâm tỉnh thành, trong khi trung tâm các thành phố La Mã là nghị trường, nơi biểu trưng cho lợi ích của dân chúng đô thị, quyền và vai trò của họ trong các công việc dân sự và tôn giáo của thành phố. Sự đối ngược đó cho thấy trên bình diện xã hội người thị dân Trung Quốc không được xem là công dân mà là đối tượng để cai trị.