Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 28/3/2024 - Vietnam12h.com Application
 Các công ty bảo hiểm

          Các công ty bảo hiểm là các tổ chức tài chính có nhiệm vụ cung cấp các hợp đồng bảo hiểm cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình nhằm giảm bớt các rủi ro ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và đời sống của họ. Các hợp đồng bảo hiểm chính là các phương tiện đảm bảo tài chính cho những người tham gia bảo hiểm, những người lo ngại có thể gặp phải một số biến cố xấu trong cuộc sống gây ra tổn thất đối với họ.

          Vậy bảo hiểm chính là các tài sản có đối với hộ gia đình và các doanh nghiệp ký hợp đồng, và là tài sản nợ đối với bảo hiểm kinh doanh người đã bán các hợp đồng bảo hiểm. Dựa vào nguyên tắc phân tán rủi ro, các tổ chức bảo hiểm có khả năng bù đắp các rủi ro tài chính cho các khách hàng của mình. Bên cạnh đó, từ việc bán ra các hợp đồng bảo hiểm, họ đã tập trung được một khối lượng lớn các nguồn vốn tiết kiệm trong dân chúng. Ngoài việc dùng để bù đắp tổn thất cho những người có rủi ro, nguồn vốn này còn được dùng để đầu tư hoặc cho vay. Thực hiện tốt vai trò đầu tư, bảo hiểm không chỉ có tác dụng ổn định phát triển kinh tế - xã hội mà còn có tác dụng to lớn trong bảo toàn và phát triển vốn để bổ sung, tăng cường quỹ dự trữ bồi thường, đồng thời có điều kiện để giảm phí bảo hiểm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm trong và ngoài nước. Trên thế giới, khi nói tới vai trò trung gian của các tổ chức tài chính, bên cạnh các ngân hàng thương mại, người ta thường nhắc tới các công ty bảo hiểm với số vốn huy động khổng lồ của chúng.

          Đứng trên phương diện pháp lý, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể là các doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần, các công ty bảo hiểm tương hỗ, công ty liên doanh, các chi nhánh của tổ chức bảo hiểm nước ngoài, các công ty 100% vốn nước ngoài và các tổ chức môi giới bảo hiểm. Mỗi loại hình doanh nghiệp có thể có các cách thức khác nhau để huy động các nguồn vốn ban đầu của mình.

          Trong hoạt động kinh doanh khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm thì nguồn huy động quan trọng nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm là phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà người tham gia bảo hiểm trả cho người bảo hiểm để nhận được sự bảo đảm trước rủi ro. Nói một cách khác, trên thị trường bảo hiểm, phí bảo hiểm chính là giá cả của sản phẩm bảo hiểm. Vì vậy, việc xác định mức phí bảo hiểm hợp lý, có khả năng cạnh tranh cao sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

          Ngoài phần thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, nguồn thu từ hoạt động đầu tư là nhân tố quan trọng làm gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong kinh tế thị trường phát triển, bảo hiểm là nhà đầu tư quan trọng, một công ty tài chính thực thụ, một tụ điểm tài chính quan trọng giữ một bộ phận tài sản lớn của xã hội. Nguồn thu từ các hoạt động đầu tư này có tác dụng to lớn trong việc bảo toàn và phát triển vốn để bổ sung, tăng cường quỹ dự trữ bồi thường, đồng thời có điều kiện để giảm phí bảo hiểm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm trong và ngoài nước. Nguồn thu này bao gồm các khoản lãi tiền gửi ngân hàng, thu từ lợi tức cổ phần, lãi từ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thu từ kinh doanh tiền tệ, bất động sản...

          Ngoài ra, các khoản thu khác cấu thành trong cơ cấu thu nhập của các doanh nghiệp bảo hiểm như thu từ dịch vụ giám định, xét bồi thường hộ cho các công ty bảo hiểm khác...

          Trong hoạt động, các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải thực hiện ký quỹ tại ngân hàng và hưởng lãi trên số tiền ký quỹ. Trong trường hợp khó khăn về khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm được tạm thời sử dụng tiền ký quỹ và phải bổ sung chúng trong vòng 90 ngày kể từ ngày sử dụng. Đây là phương tiện quan trọng để Nhà nước kiểm tra khả năng thanh toán của doanh nghiệp để thực hiện các cam kết của mình đối với người được bảo hiểm.

          Theo cam kết được quy định rõ trong hợp đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất và trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi các sự kiện bảo hiểm xảy ra. Chi trả của các tổ chức bảo hiểm thường là:

          Trả tiền bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khi đến hạn hợp đồng hoặc khi sự cố bảo hiểm xảy ra. Việc tính toán số tiền bảo hiểm chi trả cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đơn giản hơn nhiều so với các loại hình bảo hiểm khác, trong đó người ta đã quy định trước trong hợp đồng một cách chính xác số tiền sẽ thanh toán cũng như các nghĩa vụ phát sinh của các bên.

          Trả tiền bảo hiểm trong bảo hiểm tai nạn, bệnh tật, ốm đau cần phải khám chữa, điều trị, phẫu thuật. Số tiền chi trả có thể được xác định dựa trên cơ sở chi phí thực tế phát sinh có tính đến chế độ bảo trợ xã hội hoặc trên cơ sở số tiền bảo hiểm được ấn định trên hợp đồng.

          Trả tiền bồi thường tổn thất trong các hợp đồng bảo hiểm thiệt hại khi các rủi ro xảy ra. Bồi thường tổn thất là việc đền bù về mặt tài chính nhằm khôi phục lại tình trạng tài chính ban đầu của người được bảo hiểm. Tuy nhiên số tiền bồi thường của nhà bảo hiểm không bao giờ vượt quá giá trị thiệt hại thực tế nhằm tránh việc lợi dụng bất chính của người tham gia bảo hiểm.

          Người được bảo hiểm chỉ được bồi thường hoặc được trả tiền bảo hiểm khi đã thanh toán phí và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của hợp đồng đã ký kết. Ngược lại, điều bắt buộc đối với các công ty bảo hiểm là phải thanh toán tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm vào bất cứ lúc nào khi sự cố bảo hiểm xảy ra. Như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn luôn là “con nợ” của người được bảo hiểm, nên họ phải luôn ước lượng được các cam kết của mình vào bất cứ thời điểm nào đối với các chủ nợ, trong đó quan trọng nhất là những người được bảo hiểm. Bên cạnh việc lập các quỹ dự phòng kỹ thuật, các doanh nghiệp bảo hiểm phải có các tài sản có giá trị tương đương làm đảm bảo như các khoản đầu tư, các khoản tiền gửi, các khoản cho vay có khả năng thanh khoản cao và có khả năng sinh lời. Đối với các rủi ro lớn vượt quá khả năng tài chính của mình, các nhà bảo hiểm thường sử dụng các kỹ thuật đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm để phân chia, san sẻ.

          Do công ty bảo hiểm cam kết bồi thường ở bất kỳ thời điểm nào khi có thiệt hại quy định trong hợp đồng xảy ra, nên phải lập quỹ dự phòng nghiệp vụ và ghi chúng vào phần tài sản nợ nhằm thực hiện các cam kết của mình đối với người được bảo hiểm và người được hưởng hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên mức độ bồi thường thường không biết được chính xác mà phải qua đánh giá mang tính chất ước đoán. Trong trường hợp việc ước tính thiếu chính xác thì công ty bảo hiểm phải sử dụng ngay cả khoản phí thu giành để bồi thường cho những tổn thất trong tương lai để bồi thường cho những tổn thất từ những năm trước. Điều đó dẫn đến nguy cơ phá sản của doanh nghiệp và đe doạ sự an toàn của người được bảo hiểm.

Trong bảo hiểm nói chung, nhiều quỹ dự phòng phải lập như dự phòng toán học, dự phòng rủi ro tổn thất phải trả, dự phòng rủi ro tăng lên, dự phòng cam kết chia lời, dự phòng giảm giá tài sản hiện có. Các nguyên tắc tính quỹ dự phòng là khác nhau tùy thuộc vào các nghiệp vụ mà doanh nghiệp triển khai là kỹ thuật phân chia hay tồn tích. Nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một công ty bảo hiểm không thể tiến hành đồng thời các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ để tránh việc các công ty bảo hiểm sử dụng các khoản tiền tích tụ trong các hợp đồng dài hạn cho số tiền tổn thất của các hợp đồng ngắn hạn


Trích từ: Tài chính tiền tệ
 Các công ty bảo hiểm

Công ty bảo hiểm là một tổ chức kinh tế hoạt động mang tính chất kinh doanh. Người bảo hiểm tìm kiếm lợi ích kinh tế trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm mà qua đó, đổi lấy phí bảo hiểm, người bảo hiểm cam kết thực hiện bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Các tổ chức bảo hiểm này tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng có nghĩa là họ đứng ra cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên thị trường, trên cơ sở đó, tìm kiếm một khoản lợi nhuận nhất định để tồn tại và phát triển. Hoạt động của các tổ chức này bị chi phối bởi các quy luật cạnh tranh khắt khe của cơ chế thị trường. Vì vậy, họ không những phải chú ý tới chất lượng dịch vụ cung cấp, tới thị hiếu nhu cầu của khách hàng, mà còn phải chú ý tới yếu tố giá cả của sản phẩm cung cấp.

 

Căn cứ vào loại nghiệp vụ bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm triển khai, người ta thường chia thành hai loại bảo hiểm là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ.


Trích từ: Tài chính tiền tệ