Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 28/3/2024 - Vietnam12h.com Application
 Các đảm bảo trong hợp đồng tín dụng

Bảo đảm trong hợp đồng tín dụng là hình thức bảo hiểm chống lại rủi ro về tín dụng hoặc rủi ro thanh toán, nghĩa là rủi ro một phần vốn cho vay không được trả đầy đủ theo những điều khoản bắt buộc của hợp đồng. Các hình thức thế chấp tiền vay, hoặc bảo lãnh, là một hợp đồng cam kết người bảo lãnh sẽ trả nợ nếu người đi vay bị phá sản là dạng bảo đảm tín dụng rất phổ biến trong điều kiện phát triển kinh tế ngày nay bởi nó đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các hoạt động trao đổi thương mại.

Hộp 7.1

NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ CHO VAY TRONG NGÂN HÀNG

Nhằm tối đa hoá lợi nhuận, các ngân hàng cần phải thực hiện các hoạt động cho vay với yêu cầu những khoản vốn vay này sẽ phải được thanh toán đúng hạn, đầy đủ các gốc và lãi. Để hạn chế những rủi ro từ vấn đề thông tin không cân xứng, từ đó làm nảy sinh vấn đề rủi ro đạo đức hay lựa chọn đối nghịch trong hoạt động cho vay của ngân hàng, các ngân hàng phải tuân thủ các nguyên tắc chung nhất trong quản lý cho vay sau đây:

Thứ nhất: Sàng lọc và giám sát

Thông tin không cân xứng là hiện tượng thường xảy ra trong các thị trường cho vay, bởi vì người cho vay có ít thông tin về những cơ hội đầu tư và về những động cơ của người vay. Nguyên tắc này đòi hỏi ngân hàng phải thực hiện việc sàng lọc và giám sát các thông tin đối với các đối tượng vay vốn.

Sàng lọc: ngân hàng phải tập hợp đầy đủ, chính xác các thông tin về các khách hàng, để đánh giá tình hình tài chính và độ tin cậy của họ, lựa chọn ra những người vay tiền có triển vọng. Sàng lọc một cách có hiệu quả, tập hợp thông tin đầy đủ về khách hàng là một nguyên tắc quan trọng trong quản lý tiền cho vay.

Giám sát: để giảm bớt những rủi ro đạo đức, các ngân hàng phải đưa ra các điều khoản hoạt động (gọi là các quy định hạn chế) và giám sát các hoạt động của người vay, để họ luôn tuân thủ những quy định hạn chế đó. Những quy định hạn này nhằm để cho người vay không thực hiện các dự án rủi ro cao và yêu cầu tiền vay chỉ có thể được dùng để tài trợ cho các danh mục đã định sẵn, chẳng hạn như mua sắm thiết bị đã định, hoặc thực hiện các dự án đã được phê duyệt…, hoặc quy định đòi hỏi người vay cung cấp thông tin về các hoạt động của mình như báo cáo quyết toán, báo cáo thu nhập… theo định kỳ.

Thứ hai: Quan hệ khách hàng lâu dài dựa trên nguyên tắc của tín dụng

Các ngân hàng cần xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Nếu như ngân hàng và người đi vay có mối liên hệ thường xuyên, trong thời gian dài thì sẽ giảm bớt chi phí thu thập và xử lý thông tin cũng như chi phí theo dõi, quản lý hoạt động của khách hàng (người đi vay), từ đó đảm bảo giữ thị trường cho vay vốn hiện tại, đồng thời tạo được uy tín để mở rộng thị trường cho vay trong tương lai.

Thứ ba: Cho vay phải có tài sản thế chấp hoặc tín chấp bảo lãnh.

Tài sản thế chấp là những tài sản thuộc sở hữu của người đi vay đem ra cam kết đối với ngân hàng cho khoản nợ của mình. Trong trường hợp người đi vay vỡ nợ hay không có khả năng thanh toán tài sản thế chấp sẽ thuộc người cho vay. Trong trường hợp người đi vay không có tài sản thế chấp thì có thể dùng hình thức tín chấp bảo lãnh cho khoản vay.

Thứ tư: Hạn chế tín dụng

Hạn chế tín dụng có hai dạng: ngân hàng từ chối cho vay hoặc ngân hàng sẵn lòng cho vay nhưng hạn chế mức vay đó dưới mức người vay muốn để hạn chế việc người đi vay đầu tư những dự án rủi ro cao hoặc sử dụng không có hiệu quả vốn vay khi họ được vay số vốn quá lớn.

Việc quán triệt các nguyên tắc sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro trong cấp tín dụng và nâng cao được hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Ví dụ như thẻ tín dụng hiện nay đang trở thành một trong những phương tiện chi trả chủ yếu của người tiêu dùng. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phát hành thẻ tín dụng bảo đảm với các thương nhân rằng họ sẽ chi trả cho mọi giao dịch bằng thẻ tín dụng. Như vậy những người phát hành thẻ tín dụng bảo đảm cho các thương nhân chống lại rủi ro về tín dụng.

 

Các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, và đôi khi là chính phủ, cung cấp các bảo đảm cho một khối lượng lớn các công cụ tài chính, từ thẻ tín dụng cho tới các hợp đồng hoán đổi (swap) về lãi suất hoặc ngoại tệ. Các công ty mẹ thường là người đứng ra bảo lãnh các khoản nợ của các chi nhánh của mình. Nhà nước bảo đảm cho các khoản tín dụng bất động sản (cho vay để mua nhà), cho vay đối với ngành nông nghiệp và sinh viên, đối với các doanh nghiệp và cho vay đối với các nhà nước khác. Nhà nước cũng có thể là người bảo lãnh cuối cùng, nghĩa là đứng ra nhận là người bảo lãnh cho các khoản bảo đảm bởi các công ty tư nhân như các ngân hàng hay các quỹ đầu tư¬. Cũng đã từng có trường hợp, khi nhà nước có nguy cơ không có khả năng thanh toán thì các tổ chức tín dụng tư nhân cũng phải hỗ trợ để bảo đảm cho các khoản nợ của nhà nước.


Trích từ: Tài chính tiền tệ