Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 25/4/2024 - Vietnam12h.com Application
 Hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm là một văn bản có giá trị pháp lý được ký kết giữa nhà bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm để đảm bảo cho người được bảo hiểm trước một số biến cố rủi ro. Trong hợp đồng thể hiện những thỏa thuận giữa hai bên, theo đó bên doanh nghiệp bảo hiểm cam kết trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, còn người tham gia bảo hiểm cam kết nộp phí bảo hiểm hoặc một khoản tiền ký quỹ theo quy định. Như vậy, hợp đồng bảo hiểm thể hiện những ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả người bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm có các đặc trưng cơ bản sau đây:

Hợp đồng bảo hiểm là loại hợp đồng phải trả tiền

Khác với trường hợp bên tham gia hợp đồng không phải trả tiền mà vẫn được hưởng quyền lợi của hợp đồng, đối với hợp đồng bảo hiểm người tham gia bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm mới được đảm bảo về quyền lợi bảo hiểm. Dù hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết nhưng người tham gia bảo hiểm chưa nộp phí bảo hiểm thì sẽ không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm (trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng).

Việc xác lập và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải đảm bảo nguyên tắc "trung thực, tín nhiệm tuyệt đối"

Đặc thù của sản phẩm bảo hiểm, của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đòi hỏi các bên phải có được độ trung thực, tín nhiệm cao trong quan hệ hợp đồng. Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi việc xác lập được tiến hành trên cơ sở các thông tin trung thực của các bên.

Nội dung đặc thù của hợp đồng bảo hiểm:

Đối tư¬ợng bảo hiểm là phạm trù mà khi có rủi ro xảy ra sẽ làm nó phát sinh hoặc bị ảnh hư¬ởng. Những đối tượng bảo hiểm có thể gặp rủi ro và vì thế tổn hại đến lợi ích có thể được bảo hiểm. Mặc dù mỗi hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm riêng, nhưng cũng có thể phân chia các đối tượng bảo hiểm thành 3 loại:

Tài sản và những lợi ích liên quan;

Trách nhiệm dân sự;

Con ngư¬ời (bao gồm tính mạng, sức khoẻ, khả năng lao động, tuổi thọcủa con ngư¬ời)

Việc xác định đối tượng bảo hiểm là cơ sở để vận dụng các nguyên tắc, phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ thích hợp trong soạn thảo, thoả thuận và quản lý hợp đồng bảo hiểm, cũng như đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng.

Phạm vi bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm là những loại điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là điều khoản loại trừ.

Phạm vi bảo hiểm là phạm vi giới hạn những rủi ro, loại tổn thất và chi phí phát sinh mà theo thỏa thuận (đã dự tính) người bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm nếu nó xảy ra.

Loại trừ bảo hiểm bao gồm các tr¬ường hợp (rủi ro, tổn thất, chi phí) người bảo hiểm không chịu trách nhiệm nếu nó xảy ra. Loại trừ bảo hiểm có thể là loại trừ tuyệt đối (không bao giờ được chấp nhận bảo hiểm) hoặc loại trừ tương đối (có thể được bảo hiểm với những điều kiện nhất định).

Thực tế có rất nhiều loại rủi ro, tổn thất, chi phí có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của đối tượng bảo hiểm, nhưng những yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý chỉ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nhận bảo hiểm được một số trường hợp. Hai điều khoản này xác định những trường hợp mà bên bảo hiểm phải chịu trách nhiệm (phạm vi bảo hiểm) hoặc không chịu trách nhiệm (loại trừ) trước những hậu quả bất lợi xảy ra cho đối tượng bảo hiểm. Vì vậy, việc chỉ rõ phạm vi bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm nhằm phân định trách nhiệm giữa người bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, tránh xảy ra tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Giá trị bảo hiểm là thuật ngữ chỉ sử dụng trong các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản. Giá trị bảo hiểm thường được xác định bằng giá trị thực tế của tài sản vào thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm hoặc được xác định theo thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và bên bảo hiểm. Trong bảo hiểm tài sản, giá trị bảo hiểm là cơ sở để xác định số tiền bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm là ngưỡng tối đa số tiền bồi thường mà công ty bảo hiểm chấp nhận chi trả trong một sự kiện bảo hiểm hoặc trong cả thời hạn bảo hiểm. Tùy vào từng loại nghiệp vụ bảo hiểm, từng hợp đồng bảo hiểm cụ thể mà số tiền bảo hiểm được thể hiện thông qua các cách gọi khác nhau như mức trách nhiệm, hạn mức trách nhiệm, hạn mức bồi thường, Số tiền bảo hiểm được chỉ rõ bằng một khoản tiền cụ thể (có thể rất lớn) trong hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm; đó chính là trách nhiệm tối đa của người bảo hiểm trong bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Nếu một hợp đồng bảo hiểm bệnh tật có mức trần là 1 triệu đô-la, điều đó có nghĩa là công ty bảo hiểm sẽ không chi trả vượt quá số tiền này đối với mọi chi phí chữa trị của người bệnh

Tuy số tiền bảo hiểm đều có thể tính cho mỗi sự cố hoặc cho cả thời hạn bảo hiểm, song cách thức xác định giới hạn trách nhiệm bảo hiểm phụ thuộc trước hết vào loại đối tượng bảo hiểm. Những hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tài sản, việc thoả thuận về số tiền bảo hiểm phải căn cứ vào nhiều yếu tố mà trước hết là giá trị của đối tượng bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm không được lớn hơn giá trị bảo hiểm.

Trường hợp đối tượng bảo hiểm là các loại trách nhiệm dân sự, số tiền bảo hiểm được xác định bằng các mức trách nhiệm. Người bảo hiểm căn cứ vào việc đánh giá về hậu quả có thể phát sinh của sự kiện bảo hiểm, năng lực tài chính của bản thân doanh nghiệp; khả năng trả phí của khách hàng để đưa ra các mức trách nhiệm cho bên mua bảo hiểm lựa chọn. Mức trách nhiệm thường được phân biệt đối với thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản của người thứ ba (nạn nhân trong sự kiện bảo hiểm).

Đối với thiệt hại về người, mức trách nhiệm được tính cho mỗi người/1 sự cố và có thể đi kèm tổng mức trách nhiệm/1 sự cố. Đối với thiệt hại về tài sản, mức trách nhiệm thường được tính cho mỗi cũng như mọi thiệt hại về tài sản của một cũng như nhiều người thứ ba trong một sự cố. Trường hợp bảo hiểm cho những loại trách nhiệm dân sự như là trách nhiệm sản phẩm, bệnh tật, ô nhiễm ..., trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm cho người thứ ba có thể kéo dài qua nhiều năm. Việc xác định tổng mức trách nhiệm cho cả thời hạn bảo hiểm là một biện pháp cần thiết để ổn định trách nhiệm thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

Kỹ thuật bảo hiểm đòi hỏi hầu hết các hợp đồng bảo hiểm phải xác định rõ giới hạn trách nhiệm của bảo hiểm, tuy nhiên, số tiền bảo hiểm lại không được đề cập trong các hợp đồng bảo hiểm cho đối tượng là các loại trách nhiệm dân sự theo phương thức không giới hạn.

Trong bảo hiểm con người, số tiền bảo hiểm được biểu thị bằng một khoản tiền giới hạn trách nhiệm cho mỗi sự cố hoặc cho cả thời hạn bảo hiểm, hoặc khoản tiền trả trợ cấp định kỳ (bảo hiểm niên kim nhân thọ). Doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra các mức số tiền bảo hiểm thích hợp và bên mua bảo hiểm sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu an toàn, khả năng trả phí của mình để lựa chọn.

Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải trả để nhận được sự bảo đảm trước các rủi ro đã được người bảo hiểm chấp nhận. Phí bảo hiểm là giá cả của sản phẩm bảo hiểm.

Về cơ bản, phí bảo hiểm bao gồm 2 bộ phận chủ yếu.

Phí thuần là phần phí người bảo hiểm dự tính đủ để bồi thường, trả tiền bảo hiểm đối với các trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm.

Phụ phí là phần phí người bảo hiểm dự tính để đảm bảo các chi phí hoạt động kinh doanh. Phụ phí phải đảm bảo trang trải chi phí ký kết hợp đồng bảo hiểm, chi phí quản lý, lãi dự tính, nộp thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Phí bảo hiểm có thể được xác định bằng một khoản tiền nhất định/1 đơn vị đối tượng được bảo hiểm, nhưng thường được tính bằng tỷ lệ phí bảo hiểm nhân (x) với số tiền bảo hiểm.

Thông thường phí bảo hiểm là cố định và được thoả thuận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, đối với một số tổ chức bảo hiểm đặc biệt như các Hội tương hỗ bảo hiểm, phí bảo hiểm được điều chỉnh theo tình hình các khoản chi (chi bồi thường, chi quản lý,...) thực tế phát sinh trong năm nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm.

Bên cạnh điều khoản quy định về mức phí bảo hiểm hoặc tỷ lệ phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm còn có các quy định về kỳ hạn nộp phí; thời gian gia hạn nộp phí; phương thức nộp phí và các quy định trong những trường hợp đặc biệt như điều chỉnh phí khi đối tượng bảo hiểm có mức độ rủi ro thay đổi,…

Chế độ bồi thư¬ờng, trả tiền bảo hiểm thể hiện là việc tính toán bồi thường, trả tiền bảo hiểm áp dụng trong hợp đồng bảo hiểm. Tùy vào từng nghiệp vụ hoặc từng hợp đồng bảo hiểm cụ thể, thông qua các điều khoản thỏa thuận, người bảo hiểm có thể áp dụng các chế độ sau.

+ Bồi thường có miễn thường (miễn đền)

Trong nhiều nghiệp vụ bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thường đưa ra điều khoản về mức miễn thường. Mức miễn thường là khoản tiền mà theo hợp đồng bảo hiểm, khi có thiệt hại xảy ra, người được bảo hiểm phải tự chi trả bằng nguồn riêng của mình trước khi yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường. Như vậy, người bảo hiểm chỉ bồi thường những tổn thất lớn hơn mức miễn thường. Cách thức biểu thị mức miễn thường khá đa dạng, có thể bằng một số tiền nhất định /1 sự cố hoặc thông qua tỷ lệ (%) nhất định của giá trị tổn thất, kèm theo mức tối thiểu là một số tiền nhất định /1 sự cố, Trong bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, mức miễn thường có thể quy định bằng một số ngày nhất định. Người bảo hiểm sẽ không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm nếu giá trị tổn thất nhỏ hơn hoặc bằng mức miễn thường.

Nếu giá trị tổn thất lớn hơn mức miễn thường sẽ phát sinh trách nhiệm của người bảo hiểm. Tuy nhiên số tiền bồi thường của người bảo hiểm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào loại miễn thường mà nghiệp vụ hay hợp đồng bảo hiểm đó áp dụng. Trường hợp miễn thường có khấu trừ (mức miễn thường được gọi là mức khấu trừ), số tiền bồi thường của bảo hiểm sẽ bằng giá trị tổn thất của đối tượng bảo hiểm trong sự cố bảo hiểm trừ đi mức khấu trừ. Trường hợp miễn thường không khấu trừ, số tiền bồi thường của bảo hiểm sẽ bằng giá trị tổn thất của đối tượng bảo hiểm trong sự cố bảo hiểm, đương nhiên giá trị tổn thất đó phải lớn hơn mức miễn thường.

Tùy vào từng nghiệp vụ hoặc hợp đồng bảo hiểm mức miễn thường có thể được đưa ra như một quy định bắt buộc hoặc để bên mua bảo hiểm tuỳ ý lựa chọn. Điều này xuất phát từ những mục đích khác nhau của việc đưa mức miễn thường vào hợp đồng bảo hiểm. Mức miễn thường có thể nhằm loại trừ những tổn thất ở dạng hao hụt tự nhiên, thương mại thông thường khỏi trách nhiệm bảo hiểm hoặc mang dụng ý tránh việc bỏ ra các chi phí về giám định, thu thập hồ sơ, thủ tục thanh toán,... một cách không có hiệu quả kinh tế đối với những tổn thất nhỏ mà người được bảo hiểm có thể tự gánh chịu. Đặc biệt, sự linh hoạt của mức miễn thường sẽ đáp ứng được nhu cầu tự gánh chịu một phần tổn thất để giảm phí bảo hiểm của khách hàng bảo hiểm. Hơn nữa, mức miễn thường cũng còn là một biện pháp góp phần ngăn ngừa rủi ro đạo đức, giảm thiểu nguy cơ tinh thần trong kinh doanh bảo hiểm.

+ Đồng chi trả (hay miễn thường theo tỷ lệ)

Đồng chi trả (hoặc miễn thường theo tỷ lệ) cũng là một quy tắc bồi thường trong đó qui định người được bảo hiểm cũng phải gánh một phần trách nhiệm về những tổn thất xảy ra đối với mình. Ví dụ, hợp đồng có thể qui định 20% tổn thất thuộc chi phí của người được bảo hiểm và 80% được chi trả bởi công ty bảo hiểm.

Người ta còn gọi thể thức này là miễn thường theo tỷ lệ, bởi vì cũng nh¬ư trong trường hợp miễn thường, cuối cùng thì người được bảo hiểm đều phải gánh chịu một phần tổn thất. Điểm khác nhau giữa chúng chỉ là cách tính toán mức chi trả và mức độ tác động của chúng tới ý thức của người được bảo hiểm.

Lấy ví dụ về trường hợp bảo hiểm bệnh tật bao gồm cả thù lao trả cho bác sỹ. Với điều khoản đồng chi trả, người bệnh phải chịu một phần chi phí cho mỗi lần khám chữa bệnh. Ngược lại, nếu hợp đồng bảo hiểm có quy định mức miễn thường là 1.000 đô-la, người bệnh sẽ phải trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh trong giới hạn 1.000 đô-la, và công ty bảo hiểm chỉ chi trả phần chênh lệch. Như vậy, khi thiệt hại vượt quá mức miễn thường thì sẽ không còn khuyến khích người bệnh hạn chế việc khám chữa bệnh nữa. Nhưng ngược lại, quy định về đồng chi trả luôn có tác dụng hạn chế sự lạm dụng thái quá các dịch vụ y tế của người bệnh. Một hợp đồng bảo hiểm có thể đồng thời đưa vào hai loại miễn thường (khoán và theo tỷ lệ).

Có nhiều loại tỷ lệ mà người bảo hiểm có thể sử dụng để tính số tiền bồi thường, tiền trả bảo hiểm. Thông dụng nhất là tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm/Giá trị bảo hiểm áp dụng trong bảo hiểm tài sản khi tài sản được bảo hiểm dưới giá trị.

Trong một số nghiệp vụ bảo hiểm, người bảo hiểm lại đưa ra tỷ lệ thỏa thuận cụ thể. Nếu khách hàng chấp nhận, đối với tất cả các tổn thất xảy ra, người bảo hiểm chỉ bồi thường một phần thiệt hại theo tỷ lệ thoả thuận đó. Lý do cơ bản của quy định này là bắt nguồn từ chủ ý muốn tác động đến ý thức trách nhiệm của bên được bảo hiểm trong bảo vệ an toàn cho đối tượng bảo hiểm và hạn chế tổn thất ngay từ khi thoả thuận hợp đồng bảo hiểm. Đó là một biện pháp cần thiết đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm như là bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng - những loại bảo hiểm có sự phức tạp trong quản lý rủi ro và dễ bị chi phối bởi nguy cơ tinh thần.

Ở một số nước có thị trường bảo hiểm phát triển còn áp dụng tỷ lệ theo phí bảo hiểm. Khi áp dụng, số tiền bồi thường, tiền trả bảo hiểm bị giảm đi bởi tỷ lệ giữa số phí bảo hiểm đã nộp so với số phí bảo hiểm lẽ ra phải nộp

Ngay cả khi không được quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm, tỷ lệ theo phí bảo hiểm vẫn có thể được áp dụng như một quy tắc xử sự trong bảo hiểm khi có sự sai sót, nhầm lẫn trong cung cấp thông tin và thông báo rủi ro thay đổi của bên mua bảo hiểm.

+ Mức trần

Mức trần là ngưỡng tối đa của số tiền bồi thường mà công ty bảo hiểm chấp nhận chi trả đối với một số tổn thất. Như vậy, nếu một hợp đồng bảo hiểm bệnh tật có mức trần là 1 triệu đô-la, điều đó có nghĩa là công ty bảo hiểm sẽ không chi trả vượt quá số tiền này đối với mọi chi phí chữa trị của người bệnh. Giới hạn trách nhiệm đó là số tiền bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản, mức trách nhiệm trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Khi vận dụng chế độ bồi thường này, người bảo hiểm bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của đối tượng bảo hiểm và tối đa là bằng số tiền bảo hiểm hoặc mức trách nhiệm bảo hiểm.

 

Quy định về mức trần bồi thường khống chế trách nhiệm bồi thường cho phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như khả năng trả phí bảo hiểm của khách hàng. Đó là một cách thức giới hạn trách nhiệm không thể thiếu trong phương thức bảo hiểm trách nhiệm dân sự có giới hạn và hữu ích đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm tài sản.


Trích từ: Tài chính tiền tệ