Phương Nam Co LTD
dịch vụ báo cáo tài chính
© 29/3/2024 - Vietnam12h.com Application
Xử lý đạm urê ngọn lá mía

Ảnh hưởng của ủ chua và xử lý đạm urê đến một số chỉ tiêu định tính của ngọn lá mía

Màu sắc của NLM ủ chua ở các công thức khác nhau đều biến đổi từ màu xanh lục sang các dạng màu vàng đặc trưng của thức ăn ủ chua chất lượng tốt. Đối với NLM kiềm hoá bằng đạm urê màu nâu sẫm tăng lên khi mức đạm urê tăng từ 1% lên 2%. Màu nâu sẫm là đặc trưng của thức ăn thô ủ với urê.

Trước khi xử lý ngọn lá mía có mùi thơm đặc trưng của mía. Sau khi ủ chua NLM có mùi chua của axit hữu cơ, phản ánh kết quả của quá trình lên men. Các mẫu ủ chua có bổ sung thêm rỉ mật hay bột sắn có mùi thơm rất dễ chịu. Các mẫu NLM ủ với đạm urê có mùi hắc đặc trưng của amoniac và tăng theo hàm lượng đạm urê bổ sung, phản ánh kết quả của quá trình phân giải urê.

Mốc xuất hiện ở hầu hết các mẫu NLM ủ chua theo các công thức khác nhau, chủ yếu tập trung ở phần trên cùng gần nắp bình thí nghiệm. Tuy nhiên, tỷ lệ của phần bị mốc không lớn và là một hiện tượng bình thường đối với lớp ngoài cùng của khối thức ăn ủ chua. Ngược lại, tất cả các mẫu NLM xử lý đạm urê đều không thấy xuất hiện mốc. Đây chính là tác dụng bảo quản thức ăn xử lý đạm urê nhờ amôniac sinh ra đã ức chế nấm mốc phát triển.

Sự biến đổi màu sắc, mùi và mốc của ngọn lá mía sau khi ủ (6 tuần)

Ảnh hưởng của ủ chua và xử lý đạm urê đến độ axit của ngọn lá mía

Một loại thức ăn ủ chua thường được đánh giá là có chất lượng tốt nhất và bảo quản được an toàn khi pH đạt trong khoảng 3,8- 4,2. Bảng 2 cho thấy trong thí nghiệm này NLM trước khi ủ chua có độ pH tương đối cao (6,18), nhưng sau khi ủ độ pH ở tất cả các công thức đều giảm xuống rất rõ rệt (P<0,001) và nằm trong khoảng 3,86-3,91. Đây là khoảng pH cho phép ức chế hoạt động của các loại vi sinh vật lên men và như vậy sẽ cho phép bảo quản được thức ăn lâu dài. Không có sự sai khác đáng kể (P>0,05) về độ pH của NLM ủ theo các công thức ủ chua khác nhau. Đáng chú ý là NLM ủ chua không bổ sung thêm các chất dễ lên men vẫn có pH đủ thấp (3,91) để bảo quản và duy trì tốt chất lượng thức ăn. Điều này có được chắc chắn là do trong ngọn mía, đặc biệt là phần lõi, đã có sẵn một lượng đường đủ cao để lên men và hạ pH tới mức cần thiết.

Trái ngược với ủ chua, xử lý đạm urê đã làm cho độ pH của NLM tăng cao hơn so với trước khi xử lý (P<0,001). Thông thường người ta cho rằng khi pH>8 thì các mối liên kết lignin hoá của vách tế bào thực vật bị phá vỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật dạ cỏ hay men của chúng tiếp cận và phân giải các thành phần xơ. Trong thí nghiệm này xử lý bằng 2% đạm urê đã đưa pH lên được trên ngưỡng này (8,24). Nasseven (1989) cũng cho thấy khi xử bằng đạm urê pH của NLM đã tăng lên đến 8,6.

Mặc dù không có sự sai khác rõ rệt về pH giữa các công thức ủ chua khác nhau, nhưng hàm lượng axit hữu cơ tổng số lại có sự sai khác có ý nghĩa (P<0,01). NLM ủ chua không có chất bổ sung có hàm lượng axit là thấp nhất (1,11%) và cao nhất là ở NLM ủ với 2% rỉ mật (2,14%). Việc bổ sung thêm rỉ mật hay bột sắn đã làm tăng axit hữu cơ tổng số, chứng tỏ đã làm cho quá trình lên men diễn ra mạnh hơn. Như vậy, NLM có thể ủ chua không cần bổ sung các chất lên men (nếu xét theo pH), nhưng việc cho thêm các nguồn bột đường (dễ lên men) có thể đảm bảo cho quá trình ủ chua được an toàn hơn. Việc bổ sung 0,5% NaCl không thấy có ảnh hưởng đáng kể nào đến cả pH cũng như axit hữu cơ tổng số.

Ảnh hưởng của ủ chua và xử lý đạm urê đến độ toan/kiềm của ngọn lá mía

Ghi chú: Những giá trị trong từng cột của mỗi nhóm không mang chữ ( a, b, c) giống nhau thì sai khác có ý nghĩa (P< 0,05 ).