Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 23/4/2024 - Vietnam12h.com Application

Nghệ thuật Trang trí


Có thể thấy trên các đồ gốm thời trước như văn vòng đồng tâm, vòng tròn có tiếp tuyến, văn chữ S, văn thừng, văn răng lược, …, được trang trí quanh trống đồng làm nổi nhân vật

Loại hình nhân vật như trên trống đồng Ngọc Lũ: qua diễn tả bằng những nét đặc trưng có thể biết được người đó đang làm gì, chứng tỏ tác giả có sự nghiên cứu kỹ thực tế.

Hoa văn trang trí đồ đồng

Hoa văn trên đồ sắt: đồ sắt tuy số lượng ít so với đồ đồng, song loại hình đồ sắt cũng khá phong phú và đa dạng. Rất có thể kỹ thuật luyện sắt của cư dân Đông Sơn được bắt nguồn từ kỹ thuật luyện đồng và đúc đồng ở trình độ cao, song ngay từ đầu, đồ sắt đã chiếm một vị trí rất quan trọng bởi tính ưu việt hơn các kim loại khác. Với thuộc tính cứng hơn, sắc hơn rất nhiều lần, do vậy đồ sắt đã được cư dân Đông Sơn sử dụng ngay vào việc chế tạo công cụ sản xuất, vũ khí và ở một số nơi còn dùng để chế tạo đồ trang sức. Nhưng do nó là đồ dễ bị han rỉ, khó bảo vệ nên đồ sắt được phát hiện thường gỉ nát, gãy, khó phát hiện ra hình dáng.

Ở giai đoạn sớm của văn hoá Đông Sơn ít những di vật sắt còn nguyên vẹn, đa số là những mảnh vỡ, khó xác định công dụng. Đến giai đoạn muộn, có nhiều di vật sắt với nhiều loại hình khác nhau ở nhiều địa phương, những sản phẩm sắt đã dần hoàn hảo to, chắc, khoẻ, …, nhờ kỹ thuật đúc đảm bảo tính cứng, sắc, đạt yêu cầu thẩm mỹ bền đẹp. Cho đến nay đa số các địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã phát hiện được các di vật sắt thuộc văn hoá Đông Sơn. Tập trung nhiều nhất ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tây, Hà Nội, … Dựa vào chức năng của di vật có thể phân đồ sắt trong văn hoá Đông Sơn thành 4 nhóm chính, đó là: công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức và đồ dùng sinh hoạt. Mỗi loại hình có những kiểu khác nhau, ngoài ra còn một khối lượng lớn những xỉ, quặng, thỏi sắt và những di vật sắt không xác đinh rõ công dụng.

- Công cụ sản xuất: với thuộc tính cứng hơn, sắc hơn rất nhiều lần so với đồ đồng, nên ngay từ lúc ra đời, đồ sắt đã được người thợ đúc tạo những công cụ sản xuất khá hoàn chỉnh và hợp lý, bao gồm rìu, cuốc, liềm, dao, đục, dùi, ….

- Vũ khí: có lao (là loại vũ khí đánh xa, chức năng gần như giáo, song chế tạo khác hơn), kiếm (là loại vũ khí đánh gần, chức năng gần như dao găm), dao găm, giáo (nhìn giống giáo đồng nhưng thô hơn, có họng tra cán, mũi nhọn, lưỡi sắc), …

- Đồ dùng sinh hoạt: phát hiện không nhiều: nồi sắt, cối sắt;

- Đồ trang sức: rất ít, tính thẩm mỹ không cao, chỉ có vòng tay, vòng cổ và khuyên tai.

Đồ đá thuỷ tinh: Nó được hiện diện với một tư cách khác. Đồ thuỷ tinh nhân tạo là thành tựu mới thuộc nửa cuối của văn hoá này. Cũng chính về mới xuất hiện giai đoạn đầu (từ giữa thiên niên kỷ I trước công nguyên đến đầu công nguyên) nên đồ thuỷ tinh được ưa chuộng. Chúng được dùng làm đồ trang sức mỹ nghệ quý, đẹp. Tuy mới hiện diện nhưng đồ trang sức bằng thuỷ tinh đã thực sự có vị trí trong cuộc sống, nghề thuỷ tinh cũng đã thực sự phát triển và trở thành một mảng quan trọng trong mảng thủ công nghiệp mỹ nghệ buổi đầu dựng nước. Đồ đá và đồ thuỷ tinh trong văn hoá Đông Sơn là hai loại hình chất liệu khác nhau. Và, chúng cũng có những đặc trưng riêng. Trong khi các hiện vật đá càng ngày càng suy giảm về mặt số lượng và phần nào cả về loại hình thì đồ thuỷ tinh, tuy mới hiện diện song đã khá hấp dẫn và phong phú về loại hình di vật để ngày càng phát triển và hoàn thiện ở những giai đoạn kế tiếp

Đồ đá giai đoạn này có sự giảm sút. Sự giảm sút đó không biểu hiện sự xuống dốc của kỹ thuật và càng không biểu hiện sự suy thoái của văn minh vật chất thời bấy giờ mà ngược lại, nó gián tiếp phản ánh một cuộc cách mạng mới của đời sống đương thời. Như vậy qua một số di tích, chúng ta thấy rằng sang giai đoạn văn hoá Đông Sơn, đồ đá giảm sút ở nhóm công cụ sản xuất theo ý nghĩa cũ (trừ loại hình bàn mài) và không còn tồn tại ở nhóm vũ khí. Đồ trang sức bằng đá cơ bản vẫn chỉ là những loại hình đã thấy ở các giai đoạn trước, sự gia công đồ trang sức đã không còn tỉ mỉ, công phu như trước. Người Đông Sơn đã ở đỉnh cao của kỹ thuật đúc đồng và kỹ nghệ rèn sắt đang dần phát triển. Chính vì yếu tố này, đồ đá dần dần mất đi vị trí của nó trong xây dựng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đồ đá chỉ tồn tại một cách ngẫu nhiên do lưu giữ từ các giai đoạn trước. Người Đông Sơn vẫn có những trung tâm chuyên chế tác đồ trang sức bằng đá quý như cụm công xưởng Bái Tê, Bái Khuýnh, Cồn Cấu, Mả Chùa (xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá)

Đồ thuỷ tinh từ buổi khai sinh nhân tạo cũng đã phản ánh rõ, đây là một chất liệu được quý chuộng, loại hình di vật bao gồm duy nhất các mỹ phẩm được chế tạo dùng làm đồ trang sức, vòng tay, khuyên tai và hạt chuỗi. Kích thước có phần thanh mảnh, nhẹ và đẹp hơn so với đồ đá tự nhiên, song về kiểu dáng nó lại được sao chép lại của đồ đá. Qua nghiên cứu cho thấy đồ thủy tinh xuất hiện ở Việt nam vào giai đoạn sơ kỳ thời đại sắt. Những mẩu thủy tinh ở làng Vạc, mới được phát hiện và phân tích đã cho hay: đồ trang sức thủy tinh được sản xuất tại chỗ.

Đồ gốm và loại khác: Nghề chế tác đồ gốm là một trong những nghề thủ công có một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người tiền sử. Đồ gốm được phát minh ra vào thời đại đồ đá mới, nó dần trở thành những vật dùng rất thông dụng. Nó xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của con người trong sản xuất và đặc biệt là trong sinh hoạt. Mặt khác bản thân đồ gốm được chế tác từ đất sét là thứ nguyên liệu dễ kiếm và rẻ tiền. Những hiện vật bằng gốm phản ánh một sự tồn tại khách quan tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn. Trong hàng trăm di tích thuộc văn hoá Đông Sơn đã phát hiện và nghiên cứu, chúng ta thấy chỉ có vài chục di tích tìm được những đồ gốm còn nguyên vẹn, với sự phong phú, đa dạng về loại hình, phần lớn đều là những di tích thuộc loại hình mộ táng. Đặc biệt là sự phát triển của các loại hình bình vò ở lưu vực sông Mã, sông Chu, bình hình con tiện là loại hình đặc trưng cho đồ gốm ở khu vực này.

Đến giai đoạn Đông Sơn, đặc biệt là thời kỳ đồ sắt ra đời và phát triển với sự hoàn thiện của kỹ thuật luyện sắt, người Đông Sơn đã đạt những thành tựu mới trong khai thác, sử dụng đồ gỗ, chúng dùng để chế tạo ra công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt.

Một nền văn hoá như Đông Sơn nhất định phải có ảnh hưởng lâu dài, điều đó được chứng minh qua kỹ thuật làm đồ đồng vẫn được ông cha ta phát triển cho đến ngày dân tộc đứng lên chống quân phong kiến xâm lược. Xưởng chế tạo ra tên đồng và hàng vạn mũi tên làm rất khéo phát hiện ở Cổ Loa đã chứng minh truyền thống ấy. Tuy nhiên, một nền văn hoá đã có gốc rễ ăn sâu trong nhân dân thì không một lực lượng chính trị nào, hay một biến cố nào của lịch sử tiêu diệt nó hoàn toàn được, bởi thế, sau 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, các triều đại phong kiến ta sau khi giải phóng đất nước vẫn xem trống đồng là một nhạc khí quan trọng về mặt lễ giáo.

Câu hỏi – bài tập:

Hãy trình bày một vài nét khái quát về lịch sử thời kỳ nguyên thủy ở Việt Nam.

Phân tích sự hình thành và phát triển của mỹ thuật nguyên thủy Việt Nam.

Qua bài học, anh (chị) hãy rút ra những đặc điểm của mỹ thuật thời nguyên thủy Việt Nam và viết một bài về những đặc điểm đó.

Tìm đọc và sưu tầm một số bài viết, tài liệu có liên quan đến bài học.

Hướng dẫn thực hiện

Bài này được thực hiện trong 3 tiết lý thuyết. Đây là bài mở đầu cho phần Lịch sử mỹ thuật Việt Nam nên cần chú ý đến phương pháp dạy học gây hứng thú, hấp dẫn đối với sinh viên. Trên cơ sở đó gợi lòng tự hào về truyền thống nghệ thuật của tổ tiên chúng ta, nhấn mạnh về đặc điểm và vai trò của mỹ thuật nguyên thủy đối với sự hình thành và phát triển nền nghệ thuật tạo hình dân tộc.

Có thể so sánh với mỹ thuật nguyên thủy thế giới để sinh viên nắm chắc mỹ thuật nguyên thủy Việt Nam.

Nếu có điều kiện, nên tổ chức cho sinh viên đi bảo tàng lịch sử hoặc khai thác nguồn tài liệu, truyền thống văn hóa địa phương bổ sung cho bài học.