Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 25/4/2024 - Vietnam12h.com Application

Thực trạng công tác quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp


 Đất lâm nghiệp và đất có khả năng lâm nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn (2/3) của diện tích đất tự nhiên trong toàn quốc. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy nạn phá rừng đã làm suy kiệt các nguồn tài nguyên rừng và gây ra những vấn đề xói mòn và phá vỡ các vùng rừng đầu nguồn tự nhiên. Lâm nghiệp là một lĩnh vực tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình đa dạng hoá về nguồn thu nhập. Kinh nghiệm tại Việt Nam cho thấy một tiền đề thiết yếu cho việc tái sinh rừng là việc giao đất cho các hộ dân và cộng đồng tham gia quản lý. Kinh nghiệm này được phản ánh trong các chủ trương và chương trình quốc gia như chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng và các chương trình quản lý nguồn tài nguyên dựa vào cộng đồng.

Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp phải xúc tiến trước khi giao đất cho các hộ, các nhóm hộ, cộng đồng hoặc các doanh nghiệp quản lý. Quy hoạch sử dụng đất bền vững phải được tiến hành theo các nhu cầu địa phương đối với các điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội. Việc này sẽ mang lại sự quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo lại những vùng rừng bị cạn kiệt. Sự tham gia của người dân trong việc lập qui hoạch sử dụng đất lâm nghiệp là cần thiết nhằm đảm bảo người dân nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng đất lâm nghiệp, đất có khả năng lâm nghiệp và rừng.

Công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung và quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đã có từ lâu, tuy nhiên công tác quy hoạch đất có nhiều cấp độ khác nhau như quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng sinh thái, quy hoạch cấp tỉnh hoặc huyện. Tuỳ theo cấp độ mà chúng ta sử dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau như tiếp ngành hay liên ngành cũng như tiếp cận có sự tham gia với nhiều mức độ khác nhau.

Do đặc thù của ngành lâm nghiệp và đất lâm nghiệp như đã đề cập ở chương mở đầu là địa hình phức tạp, che khuất nhiều do tài nguyên rừng, vùng sâu vùng xa, vì vậy việc quy hoạch để giao đất đòi hỏi phải chi tiết và có sự tham gia của cộng đồng là rất cần thiết. Chính vì vậy để giao đất và giao rừng cho cộng đồng quản lý trong tài liệu này chúng tôi tập trung đề cập đến phương pháp quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp có sự tham gia ở cấp xã.

Quy hoạch sử dụng đất và giao đất lâm nghiệp có sự tham gia (GĐLNCSTG) ở cấp xã dựa trên nền tảng của quy hoạch sử dụng đất cấp xã theo nghị định 181, nó là một bước thiết yếu để hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp bền vững. Xây dựng tiến trình GĐLNCSTG tại các xã nhằm hỗ trợ cho các huyện, xã thực hiện tốt công tác giao đất đến tận người dân.