Cửu Long Co LTD
Cung cấp hoá chất xử lý nước thải PAC
© 19/4/2024 - Vietnam12h.com Application
Xác định độ mao dẫn của vải sợi

Để xác định chất lượng của vải mộc sau quá trình xử lý (tẩy dầu, giũ hồ, tẩy trắng) trước khi nhuộm và in hoa người ta thường tiến hành đo độ mao dẫn của vải, bằng việc đo độ mao dẫn của vải ta có thể xác định được hoạt tính tẩy rửa.

Chúng tôi thực hiện xử lý dầu khoáng, parafin và hồ bám trên vải mộc bằng cách dùng chất tẩy rửa từ dầu thông sunfat hóa. Mẫu vải mộc được ngâm trong dung dịch chất tẩy rửa trong khoảng thời gian nhất định có khuấy trộn sau rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ hết chất bẩn và chất tẩy rửa bám trên vải, phơi khô mẫu vải và tiến hành đo độ mao dẫn của vải.

Để nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ chất tẩy rửa đến độ mao dẫn của vải, chúng tôi thực hiện quá trình xử lý vải mộc ban đầu bằng các dung dịch chất tẩy rửa có nồng độ khác nhau trong cùng điều kiện tẩy rửa:

Thời gian ngâm mẫu: 30 phút;

Nhiệt độ tẩy rửa: 30 0C

kết quả thu được thể hiện trên bảng số liệu 3.51

Bảng 3.51. Ảnh hưởng của nồng độ chất tẩy rửa đến độ mao dẫn của vải

 

Từ bảng số liệu 3.51 ta xây dựng đồ thị hình 3.46 thể hiện mối quan hệ giữa nồng độ chất tẩy rửa và độ mao dẫn của vải:

Hình 3.46. Mối quan hệ giữa nồng độ chất tẩy rửa và độ mao dẫn của vải

Qua bảng số liệu và đồ thị ta thấy độ trong quá trình tẩy rửa dầu mỡ trên vải mộc thì khi tăng nồng độ chất tẩy rửa thì độ mao dẫn của vải tăng. Tại nồng độ dung dịch chất tẩy rửa 3% (xấp xỉ nồng độ mixen tới hạn) thì độ mao dẫn là 38 mm khi tăng nồng độ chất tẩy rửa thì độ mao dẫn vẫn tiếp tục tăng có nghĩa là quá trình tẩy rửa vẫn tiếp tục xảy ra, khi tăng nồng độ chất tẩy rửa đến khoảng từ 5 ÷ 10 % thì độ mao dẫn đạt cực đại và hầu như không tăng nữa. Điều này có thể giải thích như sau: do dầu mỡ, hồ và các tạp chất khác không những bám trên bề mặt vải mà còn chui sâu vào trong các mao quản của sợi vải. Trong quá trình tẩy rửa dầu mỡ trên vải sợi, nhiệm vụ của chất tẩy rửa không chỉ là làm giảm sức căng bề mặt để cuốn trôi chất bẩn bám trên bề mặt mà còn phải chui sâu vào trong mao quản sợi vải và kéo chất bẩn ra ngoài, quá trình này được thực hiện nhờ hiện tượng hòa tan hóa của dung dịch chất tẩy rửa đối với chất bẩn. Khi nồng độ dung dịch chất tẩy rửa càng cao thì hiện tượng hòa tan hóa xảy ra càng mạnh và lượng chất bẩn được kéo ra càng nhiều. Qua thực nghiệm với chất tẩy rửa từ dầu thông sunfat hóa chúng tôi chọn nồng độ chất tẩy rửa thích hợp là 6 % vì tại nồng độ này độ mao dẫn của vải thu được là 70 mm, đạt yêu cầu để đem đi nhuộm và in hoa. Nếu thực hiện tẩy rửa ở nồng độ chất tẩy rửa cao hơn thì độ mao dẫn tăng không đáng kể, và xảy ra hiện tượng tái bám trở lại của chất bẩn và chất tẩy rửa lên bề mặt vải do đó cần phải tiêu tốn một lượng nước nhiều hơn để giũ sạch vải sau khi tẩy rửa, bên cạnh đó việc sử dụng chất tẩy rửa ở nồng độ lớn sẽ làm tăng chi phí sản xuất của quá trình.

Như vậy, qua việc khảo sát nồng độ chất tẩy rửa và độ mao dẫn của vải (là thông số đánh giá chất lượng vải sau xử lý) ta có so sánh và kết luận sau: khác với việc tẩy rửa dầu mỡ trên bề mặt rắn (ví dụ quá trình tẩy rửa cặn dầu trong bồn bể chứa), do cấu trúc bề mặt vải sợi khác với bề mặt rắn (bề mặt kim loại) nên cơ chế tẩy rửa dầu mỡ trên vải sợi có nhiều điểm khác so với việc tẩy dầu mỡ trên bề mặt kim loại. Sự tẩy rửa trên kim loại chủ yếu theo cơ chế cuốn trôi (rolling up), do đó quá trình tẩy rửa dầu mỡ trên bề mặt kim loại thường được tiến hành tại nồng độ mixen tới hạn với sự hỗ trợ của tác động cơ học mạnh (áp lực tác dụng lên bề mặt lớn) để cuốn trôi chất bẩn bám trên bề mặt.

Đối với việc tẩy rửa dầu mỡ trên vải sợi do đặc điểm của bề mặt vải và yêu cầu chất lượng nên không thể dùng tác động cơ học mạnh do có thể làm vải bị kéo giãn gây co, đứt làm giảm chất lượng vải, vì vậy quá trình tẩy rửa dẫu mỡ trên vải được tiến hành với nồng độ cao với sự hỗ trợ của tác động cơ học nhẹ và thời gian tiến hành lâu hơn, cơ chế để lôi kéo chất bẩn ra khỏi bề mặt vải chủ yếu theo cơ chế hòa tan hóa.