Khoảng đầu thế kỷ III trước Công Nguyên, nhà nước Âu Lạc ra đời. Đó là sự hợp nhất hai bộ tộc Lạc Việt à Tây Âu, đứng đầu là An Dương Vương. Nước Âu Lạc tồn tại trong khoảng từ năm 208 đến năm 179 trước Công Nguyên (TCN). Đây là hình thức phát triển cao hơn của nhà nước Văn Lang. Về nhiều mặt không có sự thay đổi lớn, mà là sự tiếp tục phát triển trên cơ sở những thành tựu của giai đoạn trước. Năm 179 TCN, Nhà nước Âu Lạc bị nhà Triệu xâm chiếm, mở đầu cho giai đoạn mất tự do độc lập của dân tộc ta: Thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Bắt đầu từ nhà Triệu đến nhà Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy Đường liên tục xâm lược nước ta. Thời kỳ này kéo dài hơn 1000 năm từ 179 TCN đến năm 905. Đây là một giai đoạn đau thương của dân tộc ta. Song cũng là thời kỳ dân tộc ta đấu tranh kiên quyết, bền bỉ để giữ gìn bảo vệ nền độc lập dân chủ, chống lại sự đồng hóa của phương Bắc và chiến thắng truyền thống văn hóa từ nghìn xưa vẫn được giữ gìn. Không những thế trong quá trình phát triển, dân tộc ta còn biết chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài song phù hợp với tâm lý người Việt, làm phong phú thêm cho bản sắc văn hóa dân tộc. Đạo Nho, đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam, phần nào ảnh hưởng đến văn hóa bản địa dân tộc. Tuy vậy, về cơ bản nhà nước Âu Lạc vẫn giữ được những phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng truyền thống. Vì vậy về nền văn hóa nghệ thuật vẫn duy trì và phát triển nền văn hóa dân tộc, trên cơ sở của thời Văn Lang – Âu Lạc.
Từ thế kỷ X, dân tộc ta bước vào thời đại phong kiến dân tộc độc lập. Thời đại đó bắt đầu từ nhà Khúc đến nhà Nguyễn. Dấu mốc kết thúc là lúc triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng Pháp. Đó cũng là thời điểm mở đầu thời kỳ Pháp thuộc.
Thời kỳ phong kiến dân tộc tự chủ kéo dài từ năm 905 đến năm 1885 và trải qua nhiều triều đại phong kiến như: Khúc – Ngô- Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hậu Lê- Tây Sơn và Nguyễn. Ở giai đoạn đầu của thời đại phong kiến dân tộc ta vẫn phải liên tục chống giặc ngoại xâm, do đó phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển mỹ thuật. Hơn nữa do điều kiện khí hậu nóng ẩm cộng với sự tàn phá của chiến tranh chúng ta không giữ được nhiều các tác phẩm mỹ thuật. Mặc dù vậy ở thời kỳ này, trong lịch sử vẫn ghi nhận nhiều công trình kiến trúc có giá trị của dân tộc như thành Hoa Lư (Ninh Bình), chùa Bích gắn liền với Bích Động (Nam thiên đệ tam động), đền thờ, lăng mộ của Vua Đinh, Vua Lê. Các công trình này được xây dựng và được sắp xếp thành một tổng thể hài hòa, phù hợp với thuyết Phong thủy, tạo nên cảnh quan độc đáo cho các di tích. Thiên nhiên hùng vĩ của Hoa Lư cũng góp phần tạo ra vẻ đẹp cho các công trình kiến trúc cố đô Hoa Lư. Ngày nay, đến đây chúng ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp đó, mặc dù các di tích cổ đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Tuy vậy, để đáp ứng mục tiêu và phù hợp với chương trình mỹ thuật thời đại phong kiến dân tộc độc lập, chúng tôi xin được bắt đầu từ mỹ thuật thời Lý (1009-1225) và kết thúc vào thời Nguyễn (1802-1885)
Mục tiêu
Cung cấp những kiến thức khái quát về mỹ thuật thời đại phong kiến dân tộc độc lập.
Đặc điểm của mỹ thuật các giai đoạn Lý – Trần – Hậu Lê- Tây Sơn và Nguyễn.
Sinh viên hiểu được vẻ đẹp, giá trị của một số tác phẩm tiêu biểu trong các thời kỳ đó về kiến trúc, điêu khắc, hội họa.
Kiến thức đủ, sát với chương trình Trung học cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập, giảng dạy và sáng tạo mỹ thuật. Đồng thời có thể tuyên truyền và vận động quần chúng giữ gìn và bảo vệ các di tích văn hóa ở nơi mình sống và công tác.