Phương Nam Co LTD
© 18/4/2024 - Vietnam12h.com Application

Nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đạm urê khi đóng bao đến hệ số kết khối của đạm urê hạt

Đạm urê hạt được sàng loại bỏ hạt to, hạt nhỏ và bụi để lấy mẫu hạt có kích thước 1,2-1,7 mm. Thao tác cần được thực hiện nhanh để sau khi thực hiện xong, nhiệt độ đạm urê vẫn còn ở mức cao (> 60oC);

Chia đạm urê thành 3 phần để khảo sát với các phương án thí nghiệm khác nhau, mỗi phương án được lặp lại 5 lần để lấy kết quả trung bình:

+ Trong phương án 1, đạm urê được dồn vào khuôn mẫu ngay tại nhiệt độ 60oC, tương ứng với nhiệt độ của đạm urê khi đóng bao trong sản xuất công nghiệp;

+ Trong phương án 2, đạm urê được dồn vào khuôn mẫu sau khi đã làm nguội tự nhiên xuống 30oC, tương ứng với nhiệt độ trung bình trong kho bảo quản;

+ Trong phương án 3, đạm urê được dồn vào khuôn mẫu sau khi trải qua quá trình làm nguội xuống 30oC rồi được gia nhiệt lại đến 60oC trong tủ sấy, tương ứng với biên độ biến động nhiệt độ của đạm urê trong kho bảo quản.

Sau thời gian 72 giờ, các mẫu được xác định lực kết khối trên thiết bị đo độ cứng vật liệu hiệu SHIMPO (Đức). Mẫu khảo sát có lực kết khối nhỏ hơn được xem như có hệ số kết khối thấp hơn.

Nhận xét:

Trong cùng một môi trường bảo quản, khi thời gian và ứng suất nén tác động lên đạm urê như nhau thì nhiệt độ của chính đạm urê khi tiến hành khảo sát có ảnh hưởng rõ rệt đến hệ số kết khối của đạm urê. Đạm urê được khảo sát tại nhiệt độ 60oC (phương án 1) có mức độ kết khối cao hơn so với đạm urê được khảo sát sau khi nhiệt độ giảm xuống còn 30oC (phương án 2). Đáng chú ý là phương án 3, đạm urê được khảo sát sau khi đã trải qua quá trình làm nguội xuống 30oC rồi lại được gia nhiệt đến nhiệt độ 600C như ban đầu có mức độ kết khối thấp nhất.

Sự khác biệt về mức độ kết khối giữa phương án 1 và phương án 2 cho thấy việc đạm urê sau tháp tạo hạt được đóng bao ngay tại nhiệt độ cao là nguyên nhân làm cho khả năng bị kết khối của đạm urê trong khi bảo quản cao hơn so với khi đạm urê được làm nguội thêm trong các thiết bị trung gian khác. Kết quả nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu định lượng đã được công bố trong các công trình [58, 61] song chưa đủ cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân của hiện tượng kết khối đạm urê trong trường hợp này.

Sự khác biệt về hệ số kết khối của đạm urê giữa phương án 1 và phương án 3 cho thấy sự thay đổi nhiệt độ bất thường của đạm urê trước khi đóng bao là nguyên nhân chính làm hạn chế khả năng bị kết khối của đạm urê trong khi bảo quản. Như vậy, chắc chắn đã xảy ra một quá trình biến đổi cơ lý nào đó liên quan đến yếu tố nhiệt động và là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tính kết khối của đạm urê hạt trong thời gian bảo quản. Quá trình biến đổi này có thể xuất phát từ sự thay đổi nhiệt độ của đạm urê trước khi đóng bao mà bản chất của nó cần thiết phải xác định.