Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 18/4/2024 - Vietnam12h.com Application

Chùa Phật Tích - Bắc Ninh


Không những thế, hầu hết địa hình các chùa tháp thời này đều gắn bó với sông, nước, hồ, ao. Bởi sông có giá trị thực tế ở chỗ ven bờ của nó là nơi sinh sống tốt nhất của con người nên mật độ dân cư đông. Dưới góc độ nghệ thuật thì có lẽ ông cha ta đã thấm nhuần chân lý “sơn thuỷ hữu tình” nên đã tìm kiếm những địa thế có núi có sông mà xây dựng. Việc tìm kiếm những môi trường đẹp cho kiến trúc này đã được các đời sau ít nhiều tiếp thu và phát huy.

Kiến trúc thời Lý còn đẹp ở ngay trong sự sắp xếp bên trong của nó. Đó là những bố cục cân xứng, hài hoà làm cho môi trường và kiến trúc gắn bó thành một khối thống nhất.

Bố cục mặt bằng của các kiến trúc thời này lấy sự cân xứng, đăng đối làm phương thức chủ đạo.

Bất kỳ một kiến trúc nào hay một quần thể kiến trúc nào, chúng ta cũng thấy đều được bố trí, cân bằng, tương xứng nhau. Điều đáng chú ý là sự đăng đối thường quy tụ về một tâm điểm ở giữa, khác hẳn lối đăng đối theo một trục dài của các kiến trúc về sau. Trong một quần thể kiến trúc, người xây dựng thường dựa vào kiến trúc trọng tâm, lấy đó làm nhân tố để quy chiếu tất cả các kiến trúc khác lại thành một khối chung tương xứng. Ví dụ: chùa Linh Xứng, tháp Sùng Thiện Diên Linh, … Lối bố cục quy tụ về một điểm trung tâm này có tác dụng phân biệt được những kiến trúc chính phụ, hay nói đúng hơn, làm nổi bật kiến trúc trọng tâm tập trung chú ý của người ta vào đó, ví dụ: chùa Một Cột, … nếu nghiên cứu kỹ, ta vẫn nhận ra có một trục chính dọc theo công trình, từ cổng vào như chùa Giạm, chùa Phật Tích, …. Ngoài ra cũng có những cụm kiến trúc, do địa thế đặc biệt, nên bố cục mặt bằng của nó vừa quy tụ theo tâm điểm nhưng cũng vừa đăng đối theo một trục dài.

Một đặc điểm nữa của bố cục kiến trúc thời Lý là cung điện vua chúa hay chùa tháp Phật giáo hầu như quay về hướng Nam, đây là một hướng rất phù hợp với khí hậu của xứ nhiệt đới nước ta. Điều này một lần nữa nói lên tính thực tế của các nhà kiến trúc thời Lý.

Ngoài những bố trí mặt bằng theo hình chữ nhật thông thường, thời này còn có những nhà làm theo kiểu hình bát giác như điện Thiên Khánh, điện Hồ Thiên, … hoặc cũng có những cung tứ giác như cung ở chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh. Bên cạnh những nhà có “mái hiên cong cong như trĩ xoè cánh, ngói lợp lớp lớp như vẩy rồng” (chùa Hướng Nghiêm) cũng có những nhà “khám nhọn vuông” (chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh) hoặc “gác đối vẽ phượng sáng sao Ngưu sao Đẩu, Lầu núi tay rồng với tới sao trời” (chùa Phật Tích). Sự đa dạng, phong phú này gây nên không khí vui tươi, rộn ràng cho toàn bộ công trình xây dựng. Chúng ta còn gặp một loại hình dáng được sáng tác theo hình tượng hoa sen nhà Phật. Đó là loại hình dáng có cấu trúc dùng một cột hình hoa sen nổi lên trên mặt nước khá độc đáo. Với nhiều chức năng khác nhau, nhưng các kiến trúc có hình dáng cấu trúc này tạo nên một hình tượng hoa sen thành công và tiêu biểu cho nền kiến trúc thời Lý. Nó phản ánh được tài nghệ khéo léo, trí thông minh, sức tưởng tượng của cha ông chúng ta.

Hình dáng phong phú nhưng cấu trúc của các kiến trúc thời Lý vẫn đảm bảo tính bền vững. Ví như nền bó đá ở chùa Phật Tích và chùa Giạm còn lại ngày nay là cả một công trình tính toán cẩn thận. Sau khi đã bạt sườn núi thành các lớp nền, để chống lại với sự xói mòn rất ghê gớm của những cơn giông nhiệt đới, những người xây dựng đã cho bó một lớp đá ngoài. Nhưng các lớp đá ghép này không làm theo lối đứng thành vai, mà đã biết ứng dụng lối choãi chân đê, với độ chếch khoảng 650 – 700. Nhờ vậy nên các lớp nền cho đến ngày nay, đã ngót 9 thế kỷ mà vẫn còn khá nguyên vẹn. Đáng chú ý là việc nghiên cứu đánh giá tính năng của từng loại chất liệu để sử dụng cho thích hợp. Những tảng đá xanh có độ chịu nén cao, lại nặng nề nên được dùng ghép ở dưới, còn ở các phần trên đòi hỏi phải nhẹ, người ta lại sử dụng các gạch mỏng, đất nung, thậm chí còn dùng cả đồng mỏng (tháp Báo Thiên).

Tượng tròn phục vụ trong các kiến trúc thời này có 2 loại :

- Bản thân nó mang thuần tuý tính chất trang trí như tượng sấu đá trên thành bậc (chùa Hương Lãng, Bà Tấm) các tượng chim thần trên các con sơn (tháp Chương Sơn), …

- Trình bày mang ý nghĩa nhất định như tượng Kim Cương trấn giữ trên các tháp (Sùng Thiện Diên Linh _ Báo Thiên), sư tử đội đài sen thờ Phật (Hương Lãng), …

Các phù điêu, hoa văn và tranh vẽ trang trí rất phong phú, đề tài nhiều loại với mục đích là làm đẹp nên nó không phân biệt giữa kiến trúc cung đình hay tôn giáo vì chúng đều được chạm rồng, hạc, thần tiên, hoa văn dây cúc mềm mại, hoa văn cánh sen uốn lượn và những hoa văn sóng nước, vân mây, … được khắc trên vách tường, thành bậc cửa, gạch lát nền, kèo cột, … làm tăng giá trị của kiến trúc lên rất nhiều. Một số còn được trang trí thành một bức tranh hoàn chỉnh (chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh). Đáng chú ý là trang trí bằng những “lời ghi đẹp đẽ đều khắc vào bên cạnh toà sen, mở tấm lòng trong trắng soi sáng mãi đời sau” mang tính chất giáo dục như kiểu câu đối.