Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 23/4/2024 - Vietnam12h.com Application

Khái quát văn hóa, xã hội thời Lý


Năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô ra “nơi trung tâm” và đặt tên đế đô là Thăng Long – hình ảnh “rồng bay lên” đẹp đẽ và kiêu hãnh - đã tượng trưng cho khí thế vươn mình của cả dân tộc. Tên nước được đặt là Đại Việt với ý so sánh ngang hàng và bình đẳng với Đại Đường, Đại Tống ở phương Bắc. Lòng tự hào dân tộc ấy đã biểu hiện sức mạnh của một dân tộc có chủ quyền, bình đẳng với mọi dân tộc khác tên thế giới. Nó nói lên sức sống của một dân tộc đã làm chủ một phương trời và có một nền văn hoá bản địa lâu đời do chính mình sáng tạo ra.

Trong quá trình hình thành Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, nhà Lý đã xây dựng được một nền tảng vững chắc và toàn diện về mọi mặt. Một chính quyền tập trung và có tổ chức là cần thiết để phát triển nông nghiệp, huy động được số lượng nhân công lớn cho các công trình xây dựng. Công thương nghiệp và giao thông mở mang, Thăng Long phát triển mạnh, nhân dân có phần no đủ sung túc. Mặt khác, nước ta ở trên ngã ba đường tiếp xúc và giao lưu với các luồng văn hoá của nhiều dân tộc khác nhau trên đất liền và hải đảo các vùng Nam á. Phật giáo đã du nhập vào nước ta và nó nhanh chóng trở thành quốc giáo nên các công trình nghệ thuật được xây dựng trong giai đoạn này chủ yếu là phục vụ Phật giáo. Đạo Phật thời Lý chẳng những không tách khỏi việc đời mà còn gắn chặt với đời sống tinh thần của cả dân tộc.