Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 28/3/2024 - Vietnam12h.com Application

Tuổi của các thành tạo địa chất


Các nhà địa chất học và các nhà địa vật lý hiện đại cho rằng tuổi của Trái Đất khoảng 4,54 tỷ năm (4,54 × 109 năm± 1%). Giá trị này được xác định bằng tuổi đồng vị phóng xạ của các thiên thạch và vật liệu có tuổi cổ nhất trên Trái Đất đã được biết đến cũng như các mẫu trên Mặt Trăng.

Sau cuộc cách mạng khoa học và sự phát triển của việc định tuổi đồng vị phóng xạ, các đo đạc hàm lượng chì trong các khoáng vật giàu urani cho thấy một vài mẫu có tuổi hơn 1 tỷ năm. Các vật liệu cổ nhất có các khoáng vật được đinh tuổi - các tinh thể zircon nhỏ từ Jack Hills thuộc Tây Úc - có tuổi ít nhất 4.404 tỷ năm. So sánh giữa khối lượng và độ sáng của Mặt Trời với phần lớn các ngôi sao khác thì thấy rằng hệ Mặt Trời không thể cổ hơn các đá này. Bao thể giàu Ca-Al (các bao thểgiàu calci và nhôm) - là các thành phần rắn cổ nhất trong các thiên thạch, chúng được hình thành bên trong hệ Mặt Trời - có tuổi 4,567 tỷ năm và là giới hạn trên của tuổi Trái Đất. Người ta giả thuyết rằng sự bồi tụ của Trái Đất bắt đầu sớm sau sự hình thành các bao thể giàu Ca-Al và các thiên thạch. Do thời gian bồi tụ chính xác của Trái Đất chưa được biết rõ, và các dự đoán từ các mô hình bồi tụ khác nhau dao động trong khoảng từ vài triệu năm đến khoảng 100 triệu năm vì thế tuổi của Trái Đất khó xác định. Cũng khó xác định tuổi của các đá cổ nhất lộ trên bề mặt, khi chúng là một tập hợp của rất nhiều khoáng vật có thể có tuổi khác nhau. Acasta Gneiss thuộc miền Bắc Canada có thể là đá cổ nhất lộ trên mặt đất được biết đến

Các phương pháp định tuổi của đá

Các phương pháp tính tuổi tương đối của đá

Các phương pháp này không cho ta biết được tuổi chính xác của các lớp đá, nhưng xác định được thời gian hình thành các lớp đá một cách tương đối, cho ta biết được lớp nào hình thành trước, lớp nào hình thành sau.Trên cơ sở nghiên cứu về thành phần, cấu tạo, thế nằm và đặc điểm sự phân lớp của đá và những hóa thạch chứa trong các lớp, người ta có thể xác định tính tương đối về thời gian hình thành của các lớp đá.

Một phương pháp truyền thống và quan trọng trong việc định tuổi các yếu tố địa chất là sử dụng các nguyên tắc địa chất. Có nhiều nguyên tắc quan trọng được phát triển từ khi sơ khai đến khi nó trở thành một ngành khoa học chính thức. Các nguyên lý này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay theo cách mà nó cung cấp thông tin về lịch sử địa chất và thời gian diễn ra các sự kiện địa chất.

Nguyên tắc quan hệ xâm nhập, khi đá magma xâm nhập lên, nó xuyên cắt qua các tầng nằm bên trên nó (thường là các tầng đá trầm tích). Khi đó dựa trên quan hệ này có thể xác định được các đá magma trẻ hơn các đá trầm tích bị nó cắt qua. Có một số kiểu xâm nhập khác nhau như laccolith, batholith và dyke.

Quan hệ xuyên cắt có thể được  sử  dụng  để  xác  định  tuổi tương đối của địa tầng và các cấu tạo địa chất khác. A - đá bị uốn nếp bị cắt bởi một đứt gãy; B - đá xâm nhập cắt qua A; C - bất chỉnh hợp góc giữa tầng đá trầm tích mới phủ lên A &  B bị bào mòn, ; D - dyke núi lửa (cắt qua A, B & C); E - tầng đá trẻ hơn (phủ lên C &  D); F - đứt gãy thuận (cắt qua A, B, C &  E). Tuổi của các đá theo tự trẻ dần từ A đến E.

Nguyên tắc quan hệ cắt theo mặt cắt, đề cập đến các đứt gãy và tuổi của đứt gãy. Đứt gãy trẻ hơn đá mà chúng cắt qua; nếu các đứt gãy này cắt qua hai hay nhiều loại đá theo thứ tự địa tầng, nếu chúng phát triển liên tục trên đá này mà không phát triển trên đá kia thì các đá bị cắt có tuổi cổ hơn đứt gãy, còn các đá không bị cắt có tuổi trẻ hơn đứt gãy. Tìm các dấu hiệu này trên đá có thể xác định được loại đứt gãy đó là đứt gãy thường hay đứt gãy sâu (trong toàn vỏ Trái Đất).

Nguyên tắc chứa đá tù, thường dùng trong đá trầm tích, khi mà một loại đá ngoại lai có mặt trong đá trầm tích, thì nó có tuổi cổ hơn tuổi đá trầm tích. Tương tự, trong đá magma, khi một loại đá bị bao bọc bởi một đá magma khác thì đá bị bao bọc có tuổi cổ hơn tuổi đá magma chứa nó.

 

Nguyên tắc tương tự đề cập đến các quá trình địa chất diễn ra trong trong hiện tại cũng giống với các quá trình diễn ra trong quá khứ. Nguyên tắc này được phát triển từ nguyên tắc của nhà vật lý và địa chất học James Hutton thế kỷ 18, là "hiện tại là chìa khóa mở cách cửa quá khứ" nguyên văn: "the past history of our globe must be explained by what can be seen to be happening now" (Lịch sử trong quá khứ có thể được giải thích giống như những gì xảy ra trong hiện tại).

Nguyên tắc lớp nằm ngang nguyên thủy đề cập đến các lớp trầm tích tồn tại trong môi trường ở dạng đá gốc nằm ngang. Quan sát các lớp trầm tích hiện đại (đặc biệt là trầm tích biển) ở nhiều môi trường khác nhau cũng chứng minh cho nguyên tắc này (mặc dù trong tự nhiên các lớp này hơi nghiêng, nhưng xu hướng chung là nó nằm ngang).

Nguyên tắc xếp chồng để chỉ các lớp đá trầm tích trẻ hơn nằm trên các các lớp đá trầm tích cổ trong vùng yên tĩnh kiến tạo. Nguyên tắc này dùng để phân tích quan hệ của các lớp trầm tích trong cùng một mặt cắt đứng, theo đó có thể phân tích sự gián đoạn trầm tích trong toàn địa tầng.

Nguyên tắc động vật hóa thạch dựa trên sự xuất hiện của hóa thạch trong các đá trầm tích. Khi các loài xuất hiện cùng thời điểm trên toàn thế giới, sự có mặt hoặc không có mặt (thỉnh thoảng) của chúng có thể cung cấp tuổi tương đối của các hệ tầng chứa chúng. Dựa trên nguyên tắc của William Smith, đã ra đời trước thuyết tiến hóa của Charles Darwin gần 100 năm, nguyên tắc này phát triển độc lập với thuyết tiến hóa. Nguyên tắc trở nên khá phức tạp, tuy nhiên đã đưa ra được sự hóa thạch của các loài dễ biến đổi và hóa thạch địa phương dựa trên sự thay đổi theo chiều đứng trong môi trường sống (các loài thay đổi trong tầng trầm tích), và không phải tất cả hóa thạch có thể được tìm thấy trên toàn thế giới trong cùng một thời điểm.

* Phương pháp địa tầng:

Cơ sở khoa học của phương pháp là nguyên lí về tính kế tục:

Các lớp khi mới hình thành đều nằm ngang và lớp này phủ kế tiếp lên lớp kia. Lớp thành tạo sau phủ lên lớp thành tạo trước, trẻ hơn lớp trước và ngược lại. Phương pháp được áp dụng rộng rãi trong quá trình nghiên cứu của nhà địa chất ngay ngoài thực địa.

Việc áp dụng phương pháp này rất đơn giản và thuận tiện ở những nơi có cấu trúc địa chất không phức tạp (điều kiện bình ổn), còn những nơi có hoạt động kiến tạo mạnh, các lớp đá bị đảo lộn thì việc áp dụng phải hết sức cẩn thận.

+ Ưu điểm: xác định một cách dễ dàng và nhanh.

+ Hạn chế: chỉ phù hợp cho những miền có hoạt động kiến tạo xảy ra yếu ớt còn ở những miền có hoạt động kiến tạo mạnh thì khó chính xác, do vậy phạm vi áp dụng hẹp.

Phương pháp thạch học:

Cơ sở của phương pháp là dựa vào thành phần thạch học của các đá, các đá có cùng thành phần thạch học thì cùng tuổi. Từ đó có thể suy ra: ở các mặt cắt khác nhau, các lớp có cùng một thành phần thạch học giống nhau là những lớp cùng tuổi.

+ Ưu điểm: đơn giản, nhanh.

+ Nhược điểm: chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp, độ chính xác chưa cao, vì trong tự nhiên các đá có cùng tuổi hay cùng được thành tạo trong thời gian nào đó thì lại có thành phần khác nhau, ngược lại các đá có tuổi khác nhau trong nhiều trường hợp lại có thành phần giống nhau. Ví dụ: đá vôi tuổi C và P lại có thành phần trùng nhau.

Trên thực tế để xác định tuổi tương đối và phân chia các tầng, cũng như phương pháp địa tầng, phương pháp thạch học cần được sử dụng cùng các phương pháp khác.

Phương pháp thạch học và địa tầng thường được sử dụng để xây dựng bản đồ địa chất ở những khu vực phát triển đá magma và đá biến chất, vì đá magma và đá biến chất không chứa di tích hữu cơ nên để xác định tuổi của đá magma và đá biến chất cần phải nghiên cứu thành phần thạch học của đá tại chỗ tiếp xúc và xét mối liên quan vị trí giữa chúng với các đá trầm tích đã biết tuổi.

Nhóm các phương pháp cổ sinh:

Là phương pháp xác định tuổi tương đối của đá trầm tích dựa trên cơ sở nghiên cứu những di tích của giới hữu cơ đã chết còn giữ lại trong đá (hóa đá, hóa thạch).

Trong bất cứ đá trầm tích nào cũng luôn có nhiều hoặc ít các hóa đá, tức là di tích sinh vật thời xưa. Những hóa đá thường gặp là xương, vỏ sinh vật được bảo tồn hoặc là di tích của phần khoáng chất bên trong gọi là khuôn (hay lõi). Những di tích này được nghiên cứu kĩ, xác định tên, phân loại thuộc nhóm sinh vật nào, qua đó suy đoán điều kiện sinh trưởng của nó.

Trên cơ sở đó xác định thời gian của lớp đá có chứa hóa đá.

Cơ sở của phương pháp cổ sinh vật là sự phát triển và tiến hóa của động vật, thực vật theo dòng thời gian. Thế giới hữu cơ xuất hiện trong những thời đại lịch sử địa chất cổ xưa nhất của vỏ Trái Đất. Từ đó đến nay chúng liên tục tiến hóa và phát triển không ngừng, qua nghiên cứu thực tế người ta thấy tồn tại hai nguyên tắc có ý nghĩa lớn đối với phương pháp cổ sinh:

Theo học thuyết Dauyn: "Sinh vật không thể quay trở lại, dù trong từng bộ phận, trạng thái trước kia mà tổ tiên chúng đã có". Qui luật này còn được gọi là: "Qui luật tiến hóa không luân hồi" hay "Qui luật một chiều". Có nghĩa là không có một hóa đá nào trong quá trình tiến hóa lại lặp lại hai lần. Định luật này cho phép dùng hóa đá để xác định tuổi của đá.

Các giai đoạn phát triển của thế giới sinh vật đồng nhất trên toàn thế giới.  Nguyên nhân là các sinh vật được phân bố phổ biến rất nhanh chóng, sự trao đổi của sinh vật ở các miền khác nhau đã diễn ra một cách liên tục. Quan sát thế giới hữu cơ đa dạng ngày nay người ta nhận thấy tính chất chung là: ở lục địa loài chim và loài có vú tung hoành còn ở biển thì sò hến và các loài cá ngự trị. Từ đó người ta suy luận rằng, trước kia những nhóm sinh vật khác cũng đã từng thống trị thế giới như thế. Có nghĩa là những sinh vật nhất định đặc trưng cho từng loại thời kì nhất định.

Từ hai nguyên tắc trên dẫn đến kết luận quan trọng với phương pháp cổ sinh:

+ Hai trầm tích có hóa thạch giống nhau là có cùng tuổi như nhau.

+ Các lớp đá có thời gian thành tạo khác nhau chứa những hóa thạch khác nhau.

Phương pháp hóa đá chỉ đạo: cơ sở của phương pháp này là chỉ dựa vào một số hóa đá có trong lớp đá trầm tích để xác định tuổi lớp đá đó, chứ không phải là tất cả các di tích hóa đá. Những hóa đá đó được gọi là hóa đá chỉ đạo.

Một hóa đá được gọi là chỉ đạo phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn:

Biến đổi nhanh chóng theo thời gian, nói cách khác đó là sinh vật được phát sinh, phát triển và diệt vong một cách nhanh chóng. Nó có giới hạn phân bố hẹp theo chiều đứng của cột địa tầng.

Diện phân bố địa lí rộng để có thể so sánh, đối chiếu chúng trên những khoảng cách rất lớn. Như vậy chỉ có những hóa đá của sinh vật biển khơi mới đảm bảo được tiêu chuẩn này.

Hóa đá đó phải được bảo tồn tốt, số lượng phong phú và dễ tìm kiếm.

Ưu điểm: xác định nhanh, kinh phí rẻ.

Nhược điểm: những hóa đá chỉ đạo thường ít gặp trong thiên nhiên, do sinh vật thường mang tính khu vực địa lí, do đặc điểm phụ thuộc và thích nghi của sinh vật vào môi trường, do tính chất di cư của sinh vật.

Phương pháp thống kê theo phần trăm: khác với hóa đá chỉ đạo, ở đây đòi hỏi phải nghiên cứu toàn bộ các hóa đá có mặt chứ không phải riêng một loại nào, tính phần trăm của từng loại hóa đá (tổng các hóa đá bằng 100%) sau đó so sánh với bảng mẫu.

Ưu điểm: không phải tìm hóa đá chỉ đạo.

Nhược điểm: hết sức phức tạp, sai số lớn bởi mang tính chủ quan của người phân tích.

Phương pháp phát sinh huyết thống: bản chất của phương pháp này là sự nghiên cứu những nhóm riêng biệt của hệ thống sinh vật: họ, giống, loài... trên cơ sở tìm mối quan hệ họ hàng, xây dựng cây huyết thống trong đó gốc là ông cha, ngọn là con cháu.

Ưu điểm: độ chính xác cao

 

Nhược điểm: phức tạp, đòi hỏi phải có chuyên môn cao về cổ sinh.