Thăng Long được chia làm 2 khu vực riêng biệt: Hoàng thành (là nơi vua ở và triều đình làm việc) và Kinh thành (bao bọc Hoàng thành, là nơi quân đội và nhân dân ở); phía giữa Hoàng thành còn có Cấm thành (là nơi vua, hoàng hậu, cung tần mỹ nữ ở…) Trải qua suốt hai thế kỷ tồn tại của triều Lý, kinh đô Thăng Long được mở mang, càng ngày càng rộng. Các cung điện, lầu gác, đình tạ, chùa tháp, kho trạm, cầu cống, chợ búa, … được dựng lên và tu bổ liên tục. Hầu như không năm nào là không có chuyện tu tạo. Các công trình này, phần lớn là những cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho mọi sinh hoạt của bộ máy Nhà nước phong kiến. Khu kinh thành rộng lớn hơn Hoàng thành nên được xây dựng rất nhiều. ở đây, ngoài các khu nhà cửa của nhân dân, còn là khu tập trung những dinh thự của các tầng lớp quan lại, những lầu gác của kẻ giàu có và cả doanh trại của quân đội.
Bao quanh Kinh thành là thành Đại La cao rộng, bằng đất, có nhiều cửa thông ra ngoài và đặc biệt, phía đông được xây dựng bằng gạch để có điều kiện chống chọi với nước sông Hồng trong những ngày lũ lụt. Ngoài Thăng Long ra, những kiến trúc chủ yếu như dinh thự, điện đường thuộc thái ấp của các công hầu, khanh tướng cũng được xây dựng ở một số địa phương. Các đơn vị hành chính như châu, quận, trấn, phủ cũng được Nhà nước cho xây nhà, đắp luỹ để trấn giữ và làm các kho chứa. Ngoài ra, rải rác các địa phương, triều đình còn cho xây dựng nhiều hành cung để nhà vua du ngoạn, nghỉ chơi hoặc tổ chức lễ.
Thời Lý, Phật giáo phát triển mạnh gần như chiếm vị trí độc tôn trong tín ngưỡng của quần chúng và của giai cấp thống trị, với tư tưởng từ bi, bác ái và ôn hoà của đạo Phật đã dễ dàng chinh phục và dễ gặp gỡ được tấm lòng của người Đại Việt. Giai cấp thống trị dựa vào chủ trương nhập thế tích cực của phái Thiền Tông để trị nước. Đạo Phật được phát triển rộng rãi đến mức sử gia Lê Văn Hưu nói: “Nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”.
Sự bành trướng và địa vị của đạo Phật đã dẫn đến một nhu cầu kiến trúc to lớn: đó là việc xây chùa tháp. Nhiều chùa tháp có tiếng được dựng lên trong giai đoạn này là chùa Một cột, Báo Thiên, Thắng Nghiêm, Chân Giáo, …, ở địa phương có chùa Giạm, Chương Sơn (ý Yên – Nam Hà), … những chùa này đều do triều đình đứng ra xây dựng. Nhưng vai trò quan trọng hơn cả là sự góp công, góp của của nhân dân. Các chùa tháp dựng lên để làm nơi thờ cúng Phật, gửi gắm lòng tin, chỗ dựa tinh thần, cầu mong sự che trở của đấng thần linh.
Kiến trúc thời Lý chủ yếu là kiến trúc Phật giáo song nhân dân ta vốn có một lòng yêu nước, yêu cuộc sống độc lập, tự chủ cho nên cũng rất có ý thức về truyền thống, uống nước nhớ nguồn, giàu lòng tôn kính đối với những vị anh hùng hào kiệt của dân tộc nên đã dựng nên các đền, miếu thờ để bày tỏ tấm lòng của kẻ hậu thế. Ví dụ: Trấn Vũ (Quán Thánh) Voi Phục, …
Kiến trúc thời Lý được phát triển mạnh chính vì nó còn dựa vào một nền kinh tế khá thịnh vượng. Các vua Lý đã chú ý phát triển kinh tế làm cơ sở giàu mạnh cho đất nước. Nền nông nghiệp đã được hết sức chú trọng. Đê điều đã được bồi đắp tu sửa, sông hồ, kênh rạch được nạo vét hoặc đào thêm để có nước tưới và tiện bề giao thông.
Tình hình công thương nghiệp cũng có những bước lớn phát triển mới. Các nghề thủ công phát triển khá đều như in, chạm khắc, đúc đồng, nung gạch ngói, gốm, làm vôi, … Ví dụ: Phần trên của tháp Báo Thiên được đúc bằng đồng, chùa Phật tích, chùa Giạm.. có khá nhiều viên gạch với độ nung rất già, có khắc hoa văn tinh xảo, phản ánh một trình độ kỹ thuật điêu luyện của các thợ xưa. Giao thông đặc biệt phát triển, việc buôn bán trong nước ngoài nước đã được chú trọng, cho thấy kinh tế Đại Việt khá phát triển là cơ sở vật chất vững chắc cho cha ông chúng ta có điều kiện xây dựng được những công trình đồ sộ. Cũng bởi tiềm lực kinh tế giàu mạnh này là một trong những lý do tạo nên tình hình kiến trúc thời Lý phát triển mạnh hơn thời Trần. Kiến trúc thời Lý có quy mô to lớn.
Sau khi rời đô về Thăng Long, các nhà kiến trúc đã xây ở đây một kinh thành rộng lớn, các cung điện lầu gác này thường được xây thành từng cụm quây quần với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc trông rất bề thế. Lối xây dựng này đòi hỏi các kiến trúc sư phải có tầm nhìn rộng, sức khái quát và một trình độ thiết kế kỹ thuật vững vàng. Và về mặt nghệ thuật, nó tạo nên được cảm giác tráng lệ huy hoàng, tránh được sự cô độc, trơ trọi.
Kiến trúc tôn giáo cũng phát triển mạnh, các chùa tháp thời này nói chung đều to cao và lớn rộng như chùa Giạm, chùa Phật Tích, Chùa Một Cột (được dựng ở kinh thành Thăng Long vào năm 1049), các tháp đá như tháp Chương Sơn, tháp Sùng Thiện Diên Linh (Duy Tiên – Hà Nam), tháp Báo Thiên (Hà nội). Kích thước cao rộng của các chùa tháp thời này ngoài việc tạo nên một sự lộng lẫy bề thế, đẹp đẽ cho kiến trúc, ngoài việc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt vật chất (làm nơi thờ cúng) của đạo Phật, còn có tác dụng củng cố tinh thần nhân dân. Những điện đường đồ sộ, những tháp cao chọc trời đã gây nên không khí thiêng liêng, trầm mặc ở cửa Phật và thu hút được nhân tâm con người.
Một đặc điểm dễ nhận thấy là các kiến trúc Phật giáo thời Lý hầu hết đều được xây dựng trên các triền núi, lấy núi làm chỗ dựa. Điều này cũng xuất phát từ ý nghĩa của Phật giáo vào kiến trúc là địa bàn đồi núi có những điều kiện phù hợp với chức năng thờ cúng chùa tháp. Núi đồi cao hun hút, với những cây cối um tùm, đá bày lặng lẽ dễ gây được cảm giác trang nghiêm, tĩnh mịch, kính cẩn. Những núi ở đây lại là những núi mọc lên giữa đồng bằng nên nó càng giúp cho các kiến trúc Phật giáo này mang một giá trị thực tiễn là chinh phục được quần chúng cả một vùng rộng lớn.