Phương Nam Co LTD
Thi công xây dựng phần thô
© 19/4/2024 - Vietnam12h.com Application
 Nghiên cứu bón ure cho rau cải bắp

Đối tượng nghiên cứu: Giống cải bắp NS – Cross được trồng trong vụ đông năm 2019 tại Xã Hòa An, Huyện Phụng Hiệp, Tỉnh Hậu Giang.

Công thức thí nghiệm: Thí nghiệm gồm có 5 công thức, 3 lần nhắc lại với các mức bón phân đạm Urê khác nhau

Công thức 1: Nền (Đối chứng)

Công thức 2: Nền + 100 kg N/ha

Công thức 3: Nền + 120 kg N/ha

Công thức 4: Nền + 140 kg N/ha

Công thức 5: Nền + 160 kg N/ha

Nền : 20 tấn phân hữu cơ hoai mục + 80 kg P2O5 + 120 kg K2O/ha.

Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCBD

– Ranhdomized Complete Block Design) gồm 5 công thức, 3 lần nhắc lại. Kích thước ô thí nghiệm 12 m2 (10 x 1,2m).

Quy trình kỹ thuật bón ure cho rau cải bắp

Làm đất nhỏ, tơi xốp, xử lý đất trước khi trồng, lên luống rộng 1,2m, cao 25-30cm, rãnh luống rộng 20-30cm.

Khoảng cách trồng 50 x 50 cm, mật độ trồng 40.000 cây/ha.

Phân bón: Theo từng công thức thí nghiệm

Cách bón ure cho rau cải bắp:

+ Bón lót toàn bộ phân hữư cơ, phân lân và 1/3 phân kali.

+ Bón thúc lần 1: Sau khi cây hồi xanh: Bón 1/4 lượng đạm Urê + 1/3 lượng phân kali.

+ Bón thúc lần 2: Khi cây bắt đầu trải lá: Bón 1/4 lượng đạm Urê.

+ Bón thúc lần 3: Khi cây trải lá mạnh: Bón 1/4 lượng đạm Urê + 1/3 lượng phân kali.

+ Bón thúc lần 4: Khi cây bắt đầu cuốn bắp: Bón 1/4 lượng đạm Urê.

Chỉ tiêu theo dõi: số lá/cây, đường kính tán, đường kính bắp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất thực thu, xác định hàm lượng NO3- trong rau bằng điện cực ion chọn lọc.

Kết quả nghiên cứu

Về động thái ra lá

Thời điểm sau trồng 20 và 27 ngày: số lá/cây của các công thức tham gia thí nghiệm không có sự sai khác so với công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%. Thời điểm sau trồng 34 ngày số lá/cây của các công thức thí nghiệm dao động trong khoảng từ 10,98 – 15,46 lá/cây, trong đó công thức 3, 4 và 5 có số lá/cây cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%. Tại thời điểm sau trồng 41 ngày với các mức bón phân đạm khác nhau đã ảnh hưởng đến số lá/cây của các công thức tham gia thí nghiệm, công thức 2 và 3 có số lá/cây không có sự sai khác so với công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%. Công thức 4 và 5 có số lá/cây cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%.

Về động thái tăng trưởng đường kính tán

Đường kính tán cây (đường kính hoa thị) là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá và dự đoán tình hình sinh trưởng của cây. Những cây có đường kính tán to, đều là những cây có tiềm năng cho năng suất tốt. Qua bảng 2 cho thấy các mức bón phân đạm ure khác nhau đã làm ảnh hưởng rõ rệt đến đường kính tán của cải bắp. Ở các thời điểm theo dõi (từ 20 – 48 ngày sau trồng) các công thức tham gia thí nghiệm đều có đường kính tán cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%.

Bảng 1: Ảnh hưởng của các mức bón phân đạm Urê đến số lá của giống cải bắp NS – Cross vụ đông 2019 tại Xã Hòa An, Huyện Phụng Hiệp, Tỉnh Hậu Giang.

Sau trồng 50 ngày bắp đã bắt đầu cuốn, các công thức tham gia thí nghiệm có đường kính bắp dao động từ 4,04 – 6,43cm, trong đó công thức 2 có đuờng kính bắp không có sự sai khác so với công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%, các công thức còn lại đều có đường kính bắp cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%. Ở các giai đoạn theo dõi sau cho thấy các mức bón phân đạm Urê khác nhau đã ảnh hưởng rõ rệt đến đường kính bắp của cải bắp. Các công thức tham gia thí nghiệm có đường kính bắp cao hơn công thức đối chứng (không bón đạm) ở mức độ tin cậy 95%.

Về năng suất

Năng suất là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây như: điều kiện ngoại cảnh, biện pháp kỹ thuật... Trong đó phân bón là một trong những nhân tố quyết định đến năng suất thông qua các yếu tố cấu thành năng suất.

Khối lượng trung bình/bắp dao động từ 541 (Công thức đối chứng) – 1320,6gam/bắp (Công thức 5). Trong đó các công thức tham gia  thí  nghiệm  đều  có  khối  lượng  trung bình/bắp cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%. Như vậy các mức bón phân đạm Urê khác nhau đã làm ảnh hưởng rất rõ đến khối lượng trung bình của bắp.

Năng suất lý thuyết phản ánh tiềm năng cho năng suất của cây trồng, dựa vào năng suất lý thuyết ta có thể tác động các biện pháp kỹ thuật sao cho năng suất thực thu gần với năng suất lý thuyết nhất. Kết quả ở bảng 4 cho thấy năng suất lý thuyết của công thức đối chứng (không bón đạm) đạt thấp nhất là 135,3 tạ/ha, công thức 5 (bón 160 Kg N) đạt năng suất lý thuyết cao nhất là 314,6 tạ/ha. Như vậy với liều lượng bón phân đạm Urê tăng đã làm tăng năng suất lý thuết cải bắp một cách rõ rệt, các công thức tham gia thí nghiệm đều có năng suất lý thuyết cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%.

Năng suất thực thu: Năng suất thực thu của các công thức tham gia thí nghiệm dao động trong khoảng từ 123,71 tạ/ha đến 274,37 tạ/ha. Trong đó các công thức có bón phân đạm đều có năng suất thực thu cao hơn so với công thức đối chứng (không bón) ở mức độ tin cậy 95%.

Bảng 5 cho thấy dư lượng Nitrat trong rau cải bắp tỷ lệ thuận với các mức bón phân đạm Urê, ở công thức không bón phân đạm có dư lượng nitrar rất nhỏ (125 mg/kg rau tươi), khi mức bón tăng lên 100 kgN thì dư lượng Nitrat tăng lên 217 mg/kg rau tươi, mức bón 140 kgN thì dư lượng Nitrat là 420 mg/kg rau tươi, tuy nhiên dư lượng này vẫn nhỏ hơn mức giới hạn cho phép. Khi tăng mức bón lên 160  kgN  thì  dư  lượng Nitrat  tăng  lên 533 mg/kg rau tươi vượt quá ngưỡng dư lượng cho phép.

Kết luận và đề nghị

Kết luận

Các mức bón phân đạm Urê khác nhau đã ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển của giống cải bắp NS – Cross, các công thức có bón phân đạm đều có các số lá/cây, đường kính tán, đường kính bắp cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%.

Các mức bón phân đạm Urê khác nhau đã làm ảnh hưởng rất rõ đến khối lượng trung bình của bắp dao động từ 541gam (Công thức đối chứng) – 1320,6gam/bắp (Công thức 5).

Trong đó các công thức tham gia thí nghiệm đều có khối lượng trung bình/bắp cao hơn công thức đối chứng ở mức độ tin cậy 95%.

Ở mức bón phân đạm 160 kgN/ha cho năng suất thực thu đạt cao nhất là 274,37 tạ/ha, tuy nhiên dư lượng Nitrar lại vượt quá ngưỡng dư lượng cho phép, do vậy không đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Với mức bón 140 kgN/ha cho năng suất 263,78 tạ/ha và dư lượng Nitrat dưới ngưỡng dư lượng cho phép.

Đề nghị

Tiếp tục nghiên cứu việc sử dụng phân bón, phân hoá học với các loại rau khác nhau để có hiệu quả kinh tế cao nhất

Khuyến cáo người trồng rau giảm dần việc sử dụng phân bón hoá học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ để giảm dư lượng Nitrar trong rau, tạo ra sản phẩm rau an toàn.