Công nghiệp hoá chất sử dụng nhiều loại nguyên liệu, khoáng sản, kể cả phế liệu của các ngành sản xuất khác để chế tạo ra nhiều loại hoá phẩm. Chẳng hạn như từ muối ăn có thể sản xuất xút và clo, từ vôi và than đá chế tạo ra cacbua canxi, từ apatít, phôtphoric sản xuất ra phân lân, tận dụng xỉ lò cao để sản xuất benzen, phenol, hay từ cành, ngọn cây có thể chế ra rượu... Do vậy, ngành công nghiệp hoá chất thường được phân bố ở nhiều nơi.
Công nghiệp hoá chất có nhu cầu rất lớn về nhiên liệu, năng lượng và nguồn nước. Ví dụ để sản xuất ra 1 tấn sợi nhân tạo, phải cần từ 7 đến 10 tấn nhiên liệu, 8.000 đến 15.000 kwh điện và từ 1.200 đến 2.000 m3 nước. Việc sản xuất cao su nhân tạo, amôniắc cũng tương tự như thế. Một số sản phẩm của ngành công nghiệp hoá chất là những chất độc hại, chuyên chở xa nguy hiểm và bất tiện (như H2SO4, xút, Clo) thì cần được phân bố ngay tại vùng tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hoá chất thường được phân bố gần các trung tâm công nghiệp cơ khí, công nghiệp nhẹ vì một số ngành này tiêu thụ nhiều hoá phẩm. Các xí nghiệp công nghiệp hoá chất có mối liên hệ rất khăng khít với nhau trong việc sử dụng thành phẩm và sản phẩm phụ của nhau. Ví dụ như nhà máy phân lân sử dụng H2SO4 của nhà máy sản xuất H2SO4, nhà máy sơn sử dụng xỉ quặng pyrit của nhà máy phân lân... Trong nhiều trường hợp, các nhà máy hoá chất này sử dụng hoá phẩm của các nhà máy hoá chất khác để sản xuất ra hàng trăm sản phẩm mới. Các xí nghiệp hoá chất nói chung, ít nhiều đều gây nhiễm và độc hại cho môi trường (không khí, nguồn nước.). Vì vậy, khi xây dựng các nhà máy cần chú ý hệ thống xử lí các chất độc hại để bảo đảm vệ sinh, sức khoẻ cho cộng đồng dân cư.