Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 18/4/2024 - Vietnam12h.com Application
Nghiên cứu tác dụng Tween 80, span 80 đến kết khối phân đạm urê

Kết quả khảo sát thực tế tại Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc năm 1995 cho thấy đạm urê sau tháp tạo hạt có độ ẩm toàn phần dưới độ ẩm ngưỡng theo tiêu chuẩn cho phép, được phân loại qua sàng để loại hạt mịn và bụi. Đạm urê được đóng bao 2 lớp, cách ly hoàn toàn với độ ẩm của môi trường trong thời gian bảo quản. Với quy trình này, khó có thể xảy ra hiện tượng hút ẩm/tái kết tinh hình thành các liên kết tiếp xúc pha lỏng và liên kết tiếp xúc pha rắn dưới dạng cầu tinh thể. Tuy nhiên trên thực tế, đạm urê vẫn bị kết khối thành các tảng lớn. Sau khi bị kết khối, đạm urê bị biến dạng, mất hẳn cấu trúc hạt, có nghĩa là nguyên nhân gây nên hiện tượng kết khối chắc chắn không phải liên kết kết dính Van der Waals.

Kết quả khảo sát tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí cho thấy đạm urê sau tháp tạo hạt được bảo quản dưới dạng rời trong kho bảo ôn. Không khí cấp vào kho được gia nhiệt trước tới ~ 70oC nên có độ ẩm tương đối dưới điểm hút ẩm của urê. Về nguyên tắc, phương pháp bảo quản này phải hạn chế được vấn đề kết khối của đạm urê trong thời gian lưu kho. Tuy nhiên, trên thực tế đạm urê vẫn bị kết khối nghiêm trọng, trước khi đóng bao phải xử lý bằng cách dùng gầu tải nâng đạm urê lên cao rồi thả rơi xuống nền kho làm cho hạt bị vỡ, hàm lượng bụi đạm urê trong đạm urê tăng lên.

Như vậy, nguyên nhân gây kết khối phân đạm urê tại Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Nhà máy Đạm Phú Mỹ không chỉ liên quan đến các nguyên nhân đã được nhắc tới trong các công trình nghiên cứu trước đây mà có thể còn liên quan đến một số nguyên nhân khác nữa và là vấn đề cần được làm sáng tỏ.

Liên quan đến tác dụng của chất hoạt động bề mặt tween 80, span 80 trong quá trình xử lý chống kết khối cho đạm urê, nhiều tác giả đã nghiên cứu biến tính bề mặt hạt đạm urê bằng chất hoạt động bề mặt và nhận xét: đạm urê sau khi biến tính có điểm hút ẩm thấp hơn so với trước đó. Như vậy, việc biến tính đã làm gia tăng khả năng hút ẩm của đạm urê trong cùng một điều kiện như nhau về nhiệt độ và độ ẩm của môi trường [26]. Theo nguyên lý, đạm urê có điểm hút ẩm thấp hơn sẽ thể hiện tính kết khối cao hơn song trên thực tế, đạm urê sau khi được biến tính đã giải quyết được cơ bản vấn đề kết khối. Mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế này vẫn đang là vấn đề chưa giải thích được và được nhiều tác giả quan tâm [18, 26]. Điều này cũng cho thấy khái niệm về „hàng rào kỵ nước“ được tạo ra trên bề mặt hạt [2, 5] cũng có thể có bản chất hoàn toàn khác.

Do đó, ngoài những nguyên nhân, cơ chế và cách giải thích về các hiện tượng xung quanh vấn đề kết khối phân bón đã biết vẫn còn tiềm ẩn những nguyên nhân, cơ chế khác cần phải được tiếp tục nghiên cứu và xác định. Các nguyên nhân, cơ chế này có thể liên quan trực tiếp đến các quá trình hóa - lý đã xảy ra trong bao gói hoặc trong kho bảo ôn mà yếu tố ảnh hưởng trực tiếp chắc chắn không phải là độ ẩm của môi trường.

Xuất phát trên quan điểm đó, đề tài nghiên cứu của luận án được xâydựng hướng tới mục tiêu:

Nghiên cứu xác định nguyên nhân của hiện tượng kết khối phân đạm urê và đưa ra các giải pháp kỹ thuật hạn chế kết khối đạm urê có tính ứng dụng – triển khai cao trong điều kiện sản xuất công nghiệp với khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm tại Việt Nam; góp phần hoàn thiện về cơ sở lý thuyết và phương pháp thực nghiệm xung quanh vấn đề kết khối đạm urê.