Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 28/3/2024 - Vietnam12h.com Application
Sản xuất nhựa Công nghệ thổi khuôn

Đặc điểm công nghệ

Vật liệu ở trạng thái chảy nhớt hay mềm cao.

Bề dày sản phẩm không đồng đều.

Dùng sản xuất các sản phẩm rổng, bao bì: chai lọ, ngăn chứa … Ưu điểm của phương pháp là tránh được mối nối giữa hai phần của sản phẩm.

Phân loại:

Công nghệ thổi khuôn gồm có 3 phương pháp: Đùn-thổi, ép phun-thổi và kéo- thổi

Phương pháp đùn thổi

Phương pháp đùn thổi là một trong những phương pháp gia công vật thể rỗng. Phương pháp này thường dùng cho các loại nhựa nhiệt dẻo thông dụng: PE (LDPE, HDPE…), PET, PVC, PS, PP…

Các yếu tố cần quan tâm trong phương pháp này là:

                Độ nhớt của polime nóng chảy ở vận tốc trượt cao và thấp.

                Cường lực của polime nóng chảy (điều này rất quan trọng đối với độ đồng đều bề dày sản phẩm tạo thành phân tử)

                Độ hồi phục biến dạng (khối lượng phân tử và độ phân tán khối lượng

                Tốc độ kết tinh (tốc độ thấp thì phù hợp hơn tốc độ cao).

                Tính chất nhiệt (độ khuếch tán nhiệt, độ dẫn nhiệt, nhiệt dung riêng…).

Trong phương pháp đùn thổi bao gồm 2 quá trình tạo phôi: quá trình tạo phôi liên tục và quá trình tạo phôi gián đoạn.

                Quá trình tạo phôi liên tục.

Phương pháp này thích hợp với PVC và các loại nhựa nhạy nhiệt. Phương pháp này thường sử dụng để gia công các chai lọ có thể tích lên đến 4 lít.

Có nhiều cách bố trí khuôn thổi, trong đó 3 cách thường sử dụng là theo phương pháp khuôn di chuyển ngang, đứng và khuôn quay.

                Phương pháp khuôn di chuyển ngang:

Các khuôn được bố trí một bên hay hai bên máy đùn. Khi phôi đùn đủ chiều dài cần thiết, hệ thống đưa khuôn sẽ nhanh chóng đưa khuôn vào đúng vị trí dưới đầu tạo hình, kẹp phôi, cắt phôi và nhanh chóng trở về vị trí thổi, tại đó đầu thổi sẽ lắp vào đầu hở của phôi và thổi khí nén vào phôi, gây biến dạng và tạo hình sản phẩm trong khuôn. Một thuận lợi của phương pháp này là lắp đặt khuôn và vận hành dễ dàng. Quá trình di chuyển khuôn tương đối nhanh. Giới hạn của phương pháp này là đối với các sản phẩm đòi hỏi khuôn lớn, thì không thể di chuyển khuôn nhanh được do khuôn nặng. Do đó phương pháp này chỉ dùng sản xuất các bình chứa nhỏ hơn 8 lít.

                Phương pháp khuôn di chuyển đứng:

Khuôn được đặt ngay bên dưới đầu tạo hình. Phôi được đùn liên tục. Khi đạt chiều dài cần thiết, khuôn được nâng lên, kẹp phôi, cắt phôi và hạ xuống về vị trí thổi. Khí nén được đưa vào phôi, gây biến dạng, tạo hình sản phẩm trong khuôn. Sau khi làm nguội sản phẩm, mở khuôn, lấy sản phẩm và tiếp tục quá trình.

                Phương pháp khuôn quay:

Khuôn cũng được đặt ngay dưới đầu tạo hình. Phôi được đùn liên tục. Khi phôi đủ chiều dài cần thiết khuôn được hệ thống quay đưa vào kẹp phôi, cắt phôi và quay xuống qua công đoạn thổi. Phôi được thổi tạo hình trong khuôn, khuôn mở sản phẩm được lấy ra và quá trình tiếp tục. Quá trình quay khuôn phối hợp đồng bộ với tốc độ đùn phôi, cùng các hệ thống cắt phôi, lấy sản phẩm tự động đưa năng suất máy lên cao.

                Quá trình tạo phôi gián đoạn.

Trong quá trình này phôi được đùn nhanh sau khi sản phẩm được lấy khỏi khuôn, và khuôn không cần bộ phận chuyển đến bộ phận thổi. Qui trình này thường được áp dụng cho các bình chứa từ 100 mL đến 10 L. Có nhiều cách bố trí máy trong đó 2 cách thông dụng là dùng vít có chuyển động tịnh tiến và đầu dự trữ.

                Phương pháp dùng vít có chuyển động tịnh tiến.

Vít hoạt động như trong máy ép phun. Bằng chuyển động tịnh tiến polime nóng chảy sẽ được đẩy gián đoạn qua đầu tạo hình tạo phôi. Khi vít quay, vít sẽ lùi và dự trữ phần nhựa lỏng trước đầu vít. Sau khi lấy sản phẩm khỏi khuôn, vít sẽ tiến đến đẩy nhựa qua đầu tạo hình tạo phôi đùn mới. Trong phương pháp này phải tạo sự đồng bộ giữa lượng nhựa dự trữ, tốc độ lấy nhựa của vít và kích thước sản phẩm cùng tốc độ làm nguội của nhựa trong khuôn.

                Phương pháp dùng đầu dự trữ.

Nhựa từ máy đùn được đưa vào đầu dự trữ nguyên liệu. Đầu dự trữ tác dụng như là một bộ phận của đầu máy đùn. Nhựa vào trước sẽ ra trước. Chày đùn sẽ đẩy nhanh nhựa nóng chảy qua đầu tạo hình với áp suất thấp và đồng đều, giảm ứng suất tổng cộng. Phương pháp này rất lí tưởng để tạo các bình chứa nặng lớn hơn 10 lít.

Ưu điểm và khuyết điểm của phương pháp đùn thổi:

                Ưu điểm

                Sử dụng được cho hầu hết các loại nhựa nhiệt dẻo và nhựa nhiệt rắn.

                Chi phí đầu tạo hình thấp so với phương pháp ép phun.

                Nhựa hóa hiệu quả.

                Trên nguyên tắc phôi đùn có thể có chiều dài không hạn chế.

                Khuyết điểm

                Chi phí hoàn tất cao.

                Chi phí máy đùn cao.

                Phế liệu cho khâu hoàn tất nhiều.

                Đầu tạo hình có lập trình thay đổi thiết diện chảy phức tạp, do đó giới hạn đối với phôi đùn có tiết diện thay đổi.

Sau đây là một số hình ảnh của sản phẩm được gia công bằng phương pháp đùn - thổi.

Phương pháp ép phun - thổi

Trong phương pháp này nhựa lỏng được ép phun vào khuôn tạo phôi có lỏi. Phôi có dạng một ống nghiệm, thường được gọi là preform. Preform còn nóng và lỏi được chuyển qua khuôn thổi. Khí nén được thổi qua lỏi làm biến dạng preform và tạo hình trong khuôn thổi.

Hai ưu điểm của phương pháp này là:

 Vùng cổ chai được định hình rất tốt

 Đáy chai không có đường hàn.

Bởi vì chi phí thiết bị cao, phương pháp này không kinh tế khi sản xuất các chai có thể tích > 500 mL. Tuy nhiên với các chai có thể tích  250 mL phương pháp này có hiệu quả kinh tế hơn.

Phương pháp ép phun-thổi không thích hợp cho các chai lọ có dạng thật phẳng hoặc có tay cầm.

Phương pháp ép phun-thổi thường được sử dụng để thổi các chai lọ dùng ttrong ngành dược và mỹ phẩm. Loai chai này có thể tích nhỏ và đòi hỏi độ chính xác ích thước cổ chai.

Vật liệu thường được gia công bằng phương pháp này là PE, PP và PS.

Phương pháp kéo thổi

Phương pháp kéo thổi là phương pháp thổi định hướng 2 chiều. Trong phương pháp này sản phẩm được định hướng theo chiều ngang lẫn chiều dọc. Nhờ vào sự định hướng 2 chiều độ bền kéo, độ bền va đập gia tăng, độ rảo giảm và tính chống thấm khí, hơi nước của sản phẩm tăng.

Loại nhựa thường được gia công bằng phương pháp này là PET và PP. Ngoài ra còn có PVC, copolime của acrilonitril, polietilen naptalat (PEN) và một số poliester nhiệt dẻo khác.

Có 2 phương pháp kéo thổi: kéo thổi 1 giai đoạn và 2 giai đoạn.

 Trong phương pháp 1 giai đoạn: các công đoạn tạo phôi được tạo hình bằng phương pháp ép phun, ổn định nhiệt và thổi được thực hiện trên cùng thiết bị.

 Trong phương pháp 2 giai đoạn: các công đoạn tạo phôi, ổn định nhiệt và thổi được thực hiện trên các thiết bị riêng. Do đó phương pháp cho năng suất cao.