Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 29/3/2024 - Vietnam12h.com Application
Thị trường nhựa việt nam

Nhiều cơ hội mở ra cho ngành Nhựa Việt Nam :

Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là động lực to lớn thúc đẩy tăng trường kinh tế. Hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, nhưng đã ra “biển lớn” thì doanh nghiệp phải chấp nhận luật chơi. Đó là lý do các doanh nghiệp nhựa đã không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ để thích ứng và tìm kiếm cơ hội mới từ các hội thảo, hội chợ trong nước và quốc tế.

Hướng tới thị trường thế giới :          

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 1.400 doanh nghiệp (DN) nhựa. Riêng tại TP.HCM, đã thu hút hơn 80% DN ngành Nhựa của cả nước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu mỗi năm của Ngành đạt gần 400 triệu USD, với các sản phẩm thế mạnh là bao bì, sản phẩm nhựa tiêu dùng, nhựa xây dựng và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao.

Ba nước xuất khẩu sản phẩm nhựa lớn nhất vào Mỹ là Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đang bị áp dụng thuế chống bán phá giá với tỷ lệ khá cao từ 34,84% - 129,86%. Do giá nhập khẩu quá cao, nguồn cung cấp hàng bị co hẹp, các nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế khác. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, sản phẩm nhựa do các DN Việt Nam sản xuất đã có mặt trong hầu hết các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Thủy sản, Xây dựng, Điện-điện tử. Những sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao như ống dẫn dầu, đồ nhựa cho ôtô và máy vi tính cũng đã được các DN nhựa Tiền Phong, Phương Đông, Tân Tiến, Bình Minh sản xuất thành công.

 

 

Ông Nguyễn Đăng Cường, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) nhận định, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO sẽ tạo cơ hội lớn cho việc xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông còn cho biết thêm, hiện nay, lĩnh vực sản xuất nhựa cũng đang bắt đầu là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN Nhật Bản.

Song, với mục tiêu phát triển bền vững, ngành Nhựa đang được kỳ vọng là sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, với kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD vào năm 2010, trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng các thị trường tiềm năng như châu Phi, Trung Quốc, Nga, Đông Âu, Mỹ La tinh…

Đầu tư đổi mới công nghệ là nhiệm vụ hàng đầu để gia tăng năng xuất cũng như nâng cao chất lượng hàng hóa mà các DN hiện nay đang hướng tới.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2007, Công ty CP Nhựa Rạng Đông đã đầu tư hơn 150 tỷ đồng để đầu tư, nhập khẩu thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của châu Âu. Hệ thống trang thiết bị hiện đại đã giúp cho Công ty tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và được sự chấp nhận của thị trường châu Âu.

Mặc khác, hiện nay, DN Nhựa Việt Nam đang quan tâm tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhựa ổn định, tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác liên doanh, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm nhựa công nghệ cao. Nắm bắt nhu cầu đó, VPA đã đề ra các phương hướng cụ thể trong Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ IV (vào ngày 23/6/2007). Theo đó, Ban Chấp hành VPA đã có buổi họp bàn và phân công trách nhiệm của các thành viên trong Ban Lãnh đạo Hiệp hội, với các công việc cụ thể như:  Thành lập Ban Tổ chức - Đào tạo, Xúc tiến Thương mại - Đối ngoại, Công tác Xã hội ... Ra mắt Bản tin Hiệp hội Nhựa Việt Nam số 1 (vào tháng 9/2007) và nâng cấp hoàn thiện trang web của Hiệp hội theo địa chỉ  Thông tin cho các DN hội viên đăng ký tham gia vào các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế; Lên kế hoạch và tổ chức các buổi hội thảo và các lớp học chuyên về ngành Nhựa...

Nằm trong khuôn khổ của chương trình thúc đẩy ngành Nhựa phát triển bền vững, VPA đã có những hỗ trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tạo cơ hội cho các DN nhựa Việt Nam tiếp nhận với những công nghệ mới, xu hướng sản xuất, thiết bị và các sản phẩm mới nhất được tung ra thị trường bởi các tập đoàn sản xuất nhựa, cao su hàng đầu của thế giới. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để các DN nhựa Việt Nam mở rộng kinh doanh xuất khẩu trực tiếp sản phẩm nhựa sang các nước.

Trong thời gian qua, nhiều buổi hội thảo chuyên đề đã diễn ra tại TP.HCM, tiêu biểu là hội thảo “Ngành Nhựa Malaysia-Việt Nam” do Hiệp hội Nhựa Malaysia, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Cục Xúc tiến Đầu tư Malaysia tổ chức trong tháng 7/2007. Sau buổi hội thảo này, nhiều công ty đã tìm được các đối tác làm ăn.

Ngoài các cuộc hội thảo, thông qua các hội chợ trong nước và quốc tế cũng là cơ hội để các DN Việt Nam tiếp cận được với công nghệ mới, từ đó họ sẽ có một sự “lột xác” nhanh chóng như lời khẳng định của ông Jan Noether, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại TP.HCM.

Thành công tại “Hội chợ ngành công nghiệp Nhựa và Cao su - Interplas 2007” diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế BITEC, Bangkok, Thái Lan trong tháng 6/2007 là tiền đề để các DN Nhựa Việt Nam mạnh dạn tham gia các hội chợ quốc tế khác trong khu vực và thế giới.

Sắp tới đây, VPA sẽ tổ chức cho doanh nghiệp nhựa Việt Nam tham gia hội chợ quốc tế lớn nhất về ngành Nhựa – Cao su, được tổ chức 3 năm một lần ở Đức, bắt đầu từ ngày 24 - 31/10/2007. Ông Hồ Đức Lam, Phó Chủ tịch VPA cho biết “Các DN Việt Nam tham gia vào hội chợ 2007 chuyên ngành về lĩnh vực công nghiệp nhựa, tổ chức ở Duesseldorf (Đức), được Chính phủ hỗ trợ 100% chi phí vé máy bay khi tham dự. Đến đây các doanh nghiệp sẽ có một tầm nhìn toàn cảnh về ngành nhựa quốc tế”.

Khó khăn

Trên thị trường, nhu cầu các sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu nhựa rất lớn. Ngoài các sản phẩm gia dụng, nguyên liệu nhựa còn được sử dụng trong các ngành điện- điện tử, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, bao bì, giao thông... Nhu cầu lớn nhưng trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước nên áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ứng phó với giá nguyên liệu :

Theo Hiệp hội Nhựa, hiện nay, ngành sản xuất nhựa trong nước phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu.

Giá nguyên liệu trên thị trường thế giới thường không ổn định, trong khi đó chi phí nguyên vật liệu của các doanh nghiệp nhựa chiếm tới khoảng 70 - 75% giá thành sản phẩm; do đó, việc tăng hoặc giảm giá nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa.

Giá nhựa nguyên liệu chịu tác động của giá xăng dầu trên thế giới, mà đây lại là mặt hàng rất nhạy cảm trước các tình hình chiến sự, kinh tế thế giới... Vài năm nay, các doanh nghiệp luôn phải sản xuất ở tình trạng giá nguyên liệu đứng ở mức cao.

Giá nguyên liệu thay đổi liên tục nhưng các doanh nghiệp sản xuất không thể liên tục điều chỉnh tăng giá sản phẩm tương ứng, đặc biệt là các sản phẩm nhựa công nghiệp, thủy sản, nông nghiệp... Nếu tăng giá sẽ gây tâm lý không tốt cho khách hàng ,chủ yếu là bà con nông dân. Với lại, sẽ rất khó điều chỉnh giá tăng với các hợp đồng đã được ký từ trước.Với những hợp đồng lớn đã ký trước, nếu điều chỉnh giá có thể sẽ mất khách hàng. Việc tăng giá cũng khó theo kịp mức tăng giá đầu vào.

Mới đây, giá dầu mỏ thế giới có lúc tăng lên trên 90 USD/thùng. Chịu sự tác động của giá dầu mỏ thế giới, giá nguyên liệu nhựa cũng được dự đoán sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng. Áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng của các doanh nghiệp ngành nhựa, vì thế, sẽ ngày càng gay gắt.

Sản phẩm nhựa cao cấp chiếm ưu thế :

Các doanh nghiệp ngành Nhựa chưa nhận thức đầy đủ cơ hội cũng như thách thức sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); do đó, chưa quan tâm nghiên cứu nhu cầu phát triển của ngành trong tương lai để đầu tư đón đầu vào các sản phẩm mang tính hội nhập cao, đảm bảo khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Sản phẩm làm từ nhựa ngày càng đa dạng, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm đẹp, chất lượng cao. Hiện tại, trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm nhựa nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc) với mẫu mã đẹp, chất lượng cao được nhiều khách hàng chú ý.

Khó khăn về vốn:

Trong những năm qua, việc sử dụng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhựa  còn một số hạn chế: các dự án đầu tư mới chủ yếu là đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu, nhưng quy mô đầu tư nhỏ, vốn không lớn, nên hiệu quả chưa cao, chi phí quản lý chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí đầu tư. Nhìn từ góc độ toàn ngành, việc đầu tư thường trùng lặp, dẫn đến cạnh tranh sản phẩm trên thị trường rất gay gắt, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Nhà nước đã có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ cho ngành Nhựa phát triển, nhưng đồng thời, DN cũng phải có sự hợp tác chặt chẽ thì mới mong đạt được hiệu quả như mong muốn. Hy vọng với sự phấn đấu lâu dài đó, ngành Nhựa Việt Nam sẽ vững bước trên đường hội nhập.    

Một số giải pháp chủ yếu để ngành Nhựa Việt Nam tiếp tục phát triển với tốc độ cao, phù hợp với xu thế hội nhập:

•           Thứ nhất, tập trung nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực theo chiến lược phát triển ngành Nhựa giai đoạn 2006 - 2010.

Với mục tiêu để ngành Nhựa trở thành một ngành mũi nhọn, cần phải tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như: sản xuất nguyên liệu, chú trọng sản xuất các loại nguyên liệu mà trong nước có nhu cầu lớn và Việt Nam có lợi thế. Đẩy mạnh đầu tư vào các dự án sản xuất khuôn mẫu, trục in, thiết bị, phụ tùng có nhu cầu cao, chất lượng tốt, phục vụ cho việc sản xuất hàng nhựa cao cấp và các sản phẩm nhựa xuất khẩu. Đối với việc đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu, cần chuyển dịch mạnh cơ cấu đầu tư sản phẩm, đó là tập trung vào các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật và vật liệu xây dựng, đây là những sản phẩm có nhu cầu rất lớn trên thị trường.

•           Thứ hai, triển khai thực nghiệm gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất. Đây là yêu cầu thực tế để đáp ứng mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của sự phát triển của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Ngoài ra, để phát triển bền vững, cần phải sớm tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp thu gom, phân loại phế thải nhựa, xử lý để tái sử dụng, hình thành hệ thống doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhựa tái sinh và sử dụng nhựa tái sinh, góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá đầu vào.

•           Thứ ba, cần nâng cao chất lượng lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư làm cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển ngành Nhựa. Đa dạng hoá các hình thức huy động vốn đầu tư và lựa chọn hình thức huy động vốn đầu tư thích hợp.

       Thứ tư, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của ngành Nhựa. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu để đào tạo lại lực lượng lao động hiện có. Đồng thời, doanh nghiệp phải có chính sách tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đãi ngộ hợp lý đối với lao động có trình độ