Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 25/4/2024 - Vietnam12h.com Application
 Các tổ chức bảo hiểm xã hội

Ở Việt nam hiện nay, thuật ngữ “Bảo hiểm” được sử dụng chung cho cả hai hệ thống là Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm kinh doanh. Tiêu chí hoạt động của tổ chức Bảo hiểm xã hội cũng tương đồng với hệ thống an sinh xã hội của các nước, là nhằm mục đích tương hỗ giữa các thành viên tham gia. Với tư cách là tổ chức quản lý quỹ xã hội, quỹ tài chính tập trung, bảo hiểm xã hội (BHXH) hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà phục vụ cho chính sách xã hội, vì mục đích và quyền lợi của người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội. Cũng dựa trên nguyên tắc đó, quỹ dự trữ tập trung của Nhà nước, các quỹ tương hỗ, quỹ dự trữ trong các doanh nghiệp, các gia đình phục vụ cho mục tiêu an toàn, ổn định sự phát triển của nền kinh tế, của từng đơn vị doanh nghiệp, từng hộ gia đình hay cá nhân công dân chính là những dạng bảo hiểm vô vị lợi. Tuy không đặt ra mục tiêu lợi nhuận nhưng trong tổ chức quản lý quỹ phải tuân thủ nguyên tắc cân đối giữa thu và chi, và có nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn góp của các thành viên.

Trong mọi quốc gia, đảm bảo an toàn và ổn định đời sống của người dân trong xã hội là một mục tiêu lớn trong chính sách xã hội, thể hiện sự cần thiết của điều tiết nhà nước trong khắc phục, hạn chế những khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Bảo hiểm xã hội là một chính sách xã hội lớn của chính phủ các nước nhằm thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong phân phối và đảm bảo sự ổn định trong xã hội.

Bảo hiểm xã hội đã trở thành một trong những quyền con người và đã được thừa nhận trong bản tuyên ngôn về nhân quyền do Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10/12/1948 “Tất cả mọi người, với tư cách là thành viên của xã hội, có quyền hưởng bảo hiểm xã hội. Quyền đó đặt cơ sở trên sự thỏa mãn các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá cần cho nhân cách và sự tự do phát triển con người...”. Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đã có những quy định về tiêu chuẩn tối thiểu của BHXH và những khuyến nghị các nước thành viên về việc thực hiện các tiêu chuẩn này.

Bảo hiểm xã hội đã có quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử. Ra đời từ cuối thế kỷ XIX, đầu tiên là ở các nước kinh tế phát triển Châu Âu, sau đó bảo hiểm xã hội đã phát triển rộng ra khắp các nước trên thế giới với các hình thức phong phú đa dạng. Đến nay đã có trên 180 nước trên thế giới thực hiện chế độ BHXH theo các hình thức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nước. Thực chất và một cách khái quát, có thể hiểu bảo hiểm xã hội là các quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình tạo lập được tồn tích dần do sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động theo quy định của pháp luật, sử dụng chúng để chi trả nhằm thỏa mãn quyền lợi vật chất cho người lao động và gia đình họ khi gặp phải một số biến cố làm giảm hoặc mất khả năng thanh toán từ thu nhập theo lao động.

Như vậy, quỹ BHXH là một loại quỹ tiêu dùng, đồng thời là một quỹ dự phòng mang tính chất xã hội cao. Quỹ bảo hiểm xã hội là điều kiện, cơ sở vật chất quan trọng nhất không những đảm bảo cho hoạt động của pháp luật, chính sách BHXH của Nhà nước trong cuộc sống có hiệu quả, mà còn làm cho chính sách, pháp luật đó tồn tại, phát triển với mục tiêu vì con người.

BHXH ở các nước thường mang tính bắt buộc đối với các đối tượng có thể giải quyết được một số rủi ro chung, chẳng hạn là những người lao động có thu nhập. Tất cả các nước đều xác định phạm vi đối tượng BHXH chung nhất là thu nhập của những viên chức nhà nước, người làm công ăn lương trên toàn xã hội. Một số nước ban hành chế độ bảo hiểm xã hội chung cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội. Ở các nước đang phát triển thường thì đối tượng BHXH hẹp hơn, tập trung chủ yếu vào viên chức Nhà nước và những người làm công ăn lương thành thị. Giới hạn mức lương được bảo hiểm tổi thiểu là mức lương tối thiểu quốc gia, còn mức lương tối đa là mức lương trung bình quốc gia của hệ thống đó.

Điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội là phải tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Với chế độ hưu trí tuổi già ở các nước đang phát triển, thường thời gian đóng góp từ 15 đến 37,5 năm với điều kiện tuổi đời từ 55 đến 60 tuổi, có giảm bớt đối với nữ, lao động nặng nhọc, độc hại.

Bảo hiểm xã hội bao gồm nhiều chế độ. Công ước số 102 đã phân loại các chế độ hưởng theo chức năng của chúng và chỉ quy định những điều kiện tối thiểu để cho mọi nước có thể áp dụng vào thời điểm thích hợp. Có 9 loại chế độ hưởng, bao gồm: Chăm sóc y tế, Phụ cấp ốm đau, Trợ cấp thất nghiệp, Trợ cấp tuổi già, Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Trợ cấp gia đình, Trợ cấp sinh đẻ, Trợ cấp khi tàn phế, Trợ cấp mất người nuôi dưỡng.

Tổ chức lao động quốc tế khuyến khích mỗi nước thành viên thực hiện ít nhất ba chế độ, đặc biệt lưu ý chế độ 3, 4, 5, 8, 9.

Trong thực tế, chỉ có các nước công nghiệp phát triển và nhóm đầu các nước đang phát triển thực hiện đủ 9 chế độ. Các nước còn lại thực hiện một số chế độ phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của nước mình. Mức hưởng bảo hiểm xã hội nói chung đều thấp hơn mức lương khi đang làm việc. Tỷ lệ này ở các nước công nghiệp phát triển thường cao hơn các nước đang phát triển vì mức lương khi đang làm việc cao hơn ở các nước đang phát triển.

Thực chất, bảo hiểm xã hội là nhu cầu khách quan, đa dạng và phức tạp của xã hội, nhất là xã hội sản xuất hàng hoá hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, nó cũng mang lại ý nghĩa thực tiễn trong việc lựa chọn hình thức, cơ chế và mức độ thỏa mãn các nhu cầu bảo hiểm xã hội phù hợp với tập quán, khả năng trang trải và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Mỗi nước có một mô hình riêng biệt, trong đó, một số nước có mô hình điển hình có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Mô hình Nhà nước phúc lợi châu Âu, mà đứng đầu là Thuỵ điển, Đức, theo đó, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong thiết lập hệ thống an toàn xã hội và dịch vụ xã hội. Mô hình phát triển của Nhật Bản và các nước Đông Á, Đông Nam Á là mô hình Nhà nước đóng vai trò thiết lập khung chính sách, pháp luật và một phần tài trợ, còn chủ yếu do khu vực tư nhân đóng góp. Chẳng hạn, có thể áp dụng những vấn đề đã nêu để xem xét ở Việt Nam cần và có thể thiết lập bao nhiêu chế độ bảo hiểm xã hội trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tính phổ biến, tính cần thiết, khả năng đáp ứng và khả năng kiểm soát đối với từng cơ chế cụ thể.

Câu hỏi chương 7

Phân biệt giữa rủi ro và biến cố không chắc chắn.

Thế nào là hoạt động quản lý rủi ro? Tại sao vẫn có trường hợp con người luôn đương đầu với rủi ro?

Nêu các rủi ro của các hộ gia đình và các doanh nghiệp.

Các quy trình quản lý rủi ro như thế nào? Người ta có thể sử dụng những kỹ thuật nào để quản lý rủi ro.

So sánh ưu, nhược điểm giữa các phương thức chuyển giao rủi ro.

Người ta có thể sử dụng những công cụ và cơ chế nào trên thị trường để chuyển giao rủi ro?

Tại sao nói bảo hiểm là các tổ chức tài chính trung gian?

So sánh giữa hai phương thức tiết kiệm phòng xa: qua ngân hàng và qua bảo hiểm nhân thọ


Trích từ: Tài chính tiền tệ