Phương Nam Co LTD
Cung cấp chất hoạt động bề mặt, dầu bôi trơn Korea
© 26/4/2024 - Vietnam12h.com Application
 Hợp đồng hoán đổi (SWAPS)

Hợp đồng hoán đổi cũng là một dạng của hợp đồng kỳ hạn và được coi là hình thức đảm bảo đối với rủi ro về tỷ giá hối đoái. Trong một hợp đồng Swap, hai bên trong quan hệ giao dịch tiến hành hoán đổi (to swap: giao dịch hàng đổi hàng) một chuỗi các dòng tiền trong một khoảng thời gian xác định, theo định kỳ ấn định trước. Số tiền thanh toán định kỳ căn cứ vào tổng số tiền ban đầu mà người ta gọi là số tiền theo mệnh giá (danh nghĩa). Do không có hoạt động thanh toán tiền ngay nên hợp đồng Swap không hình thành nên các quỹ mới.

Về mặt lý thuyết, người ta có thể trao đổi mọi sản phẩm hàng hóa khác nhau bằng hợp đồng Swap, tuy nhiên trong thực tế, chúng chủ yếu được áp dụng đối với nguyên vật liệu, ngoại tệ, lãi suất hay chứng khoán.

Chúng ta hãy cùng phân tích xem hợp đồng Swap về ngoại hối được tiến hành như thế nào và lợi ích của nó trong việc hạn chế rủi ro tỷ giá. Giả sử một chuyên gia tư vấn người Mỹ làm việc tại Việt Nam trong thời gian 3 năm và hàng năm được trả mức thu nhập là 1,6 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 10.000 đô-la Mỹ). Để đảm bảo thu nhập của mình tính theo đô-la luôn ổn định trước biến động về tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và đồng việt nam, chuyên gia này ký một hợp đồng Swap về ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái ấn định ngay thời điểm ký hợp đồng. Điều đó đòi hỏi phải có một tổ chức có nhu cầu ngược lại. Người ta gọi tổ chức này là tổ chức đối ứng. Trong ví dụ này, chẳng hạn một công ty ở Việt Nam có các nguồn thu nhập đều đặn được tính bằng đồng đô-la và muốn chuyển chúng sang đồng Việt Nam với tỷ giá hối đoái được áp dụng ở thời điểm hiện tại.

Như vậy hợp đồng Swap chính là một phần tiếp theo hợp đồng kỳ hạn. Khoản tiền được ghi trên hợp đồng Swap chính là số tiền trên các hợp đồng kỳ hạn tương ứng.

Giả sử ở năm tiếp theo, tỷ giá hối đoái giữa đồng đô-la và đồng Việt Nam tăng lên, để đảm bảo thu nhập của chuyên gia này là 10.000 đô-la, công ty đã ký hợp đồng Swap với chuyên gia (phía đối tác) buộc phải trả thêm khoản tiền chênh lệch về tỷ giá giữa tỷ giá ở thời điểm ký hợp đồng và tỷ giá hiện tại.

Còn trong trường hợp ngược lại, nếu tỷ giá hiện tại giảm xuống, do được tổ chức thuê trả thu nhập tính theo đô-la tăng cao hơn mức 10.000 đô-la, chuyên gia này buộc phải trả cho phía đối tác khoản tiền chênh lệch tỷ giá. Trong trường hợp này, người ta có thể không muốn ký hợp đồng Swap về ngoại tệ nữa. Song thực chất của các nghiệp vụ kiểu này là việc chấp nhận từ bỏ những khoản lãi tiềm năng để chắc chắn tránh được các khoản lỗ trong tương lai.

 

Thị trường quốc tế về hợp đồng Swap đã phát triển từ những năm 80 không ngừng lớn mạnh theo thời gian. Ngoài các hợp đồng Swap về ngoại tệ và về lãi suất, ngày nay người ta còn biết đến những hợp đồng Swap về các chỉ số giá chứng khoán khác nhau, hay những hợp đồng Swap trao đổi giữa lúa mì và dầu mỏ.


Trích từ: Tài chính tiền tệ