Mainboard là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của một máy tình và đóng vai trò là trung gian giao tiếp giữa CPU và các thiết bị khác của máy tính. Bản mạch chính là nơi để chứa đựng (cắm) những linh kiện điện tử và những chi tiết quan trọng nhất của một máy tính cá nhân như: bộ vi xử lý CPU (central processing unit), các thành phần của CPU, hệ thống bus, bộ nhớ, các thiết bị lưu trữ (đĩa cứng, ổ CD,…), các card cắm (card màn hình, card mạng, card âm thanh) và các vi mạch hỗ trợ. Do các vai trò của nó như vậy nên bản mạch chính cần thoả mãn nhiều điều kiện về cấu trúc và đặc tính điện khắt khe như: gọn, nhỏ và ổn định với nhiễu từ bên ngoài.
Cũng như nhiều loại máy điện, điện tử khác, mainboard và vỏ máy phải tuân thủ theo các quy định chung về an toàn điện, an toàn nhiễu điện từ (đặc biệt do tần số làm việc của máy vi tính nằm trong giải tần sóng viba nên rất dễ gây nhiễu cho các máy móc khác xung quanh). Bo mạch chủ được sản xuất bằng công nghệ mạch in PCB (Printed Circuit Board). Do số chân nối của vi mạch ngày càng nhiều (Core 2 Duo 775 chân) nên số lượng dây dẫn trên bản mạch ngày càng nhiều khiến diện tích bản mạch cũng tăng theo nếu không thay đổi công nghệ. Số chân nối và độ phức tạp gia tăng khiến việc thiết kế bản mạch thêm rắc rối. Để giải quyết vấn đề này, người ta dùng mạch in nhiều lớp (multi layer PCB) cho máy vi tính hiện đại. Bản mạch chính được sản xuất theo lối xếp chồng (sandwich) tương tự công nghệ chế tạo vi mạch và ngày nay có từ 4 đến 8 lớp. Một công nghệ nữa góp phần thu nhỏ kích thước bản mạch chính là công nghệ gián chi tiết SMT (surface mounted technology). Công nghệ này cho phép dán trực tiếp vi mạch lên bản mạch chính, giảm bớt công nghệ khoan bản mạch và giảm đáng kể kích thước vỏ vi mạch