Trong khi những thất bại của thị trường đã dẫn đến việc đề ra những chương trình lớn của chính phủ trong những năm 1930 và 1960, thì trong những năm 1970 những khiếmkhuyết của các chương trình đó lại dẫn các nhà khoa học kinh tế và chính trị đến việc nghiên cứu sự thất bại của chính phủ.
Trong những điều kiện nào thì chương trình của chính phủ thực hiện không tốt?
Những thất bại của chương trình đó có phải là thuần túy tình cờ không, hay chúng là những kết quả có thể dự đoán trước, do bản chất vốn có trong hoạt động chính phủ?
Có thể rút ra những bài học cho tương lai về các chương trình này không?
Có bốn lý do chủ yếu gây ra thất bại mang tình hệ thống của chính phủ nhằm đạt được những mục tiêu đã định: thông tin của chính phủ bị hạn chế; kiểm soát hạn chế của chính phủ đối với những phản ứng của tư nhân với hành động của chíng phủ; kiểm soát hạn chế của chính phủ đối với bộ máy hành chính quan liêu; và những hạn chế do các quá trình chính trị áp đặt.
Thông tin hạn chế. Những hậu quả của nhiều hành động là rất phức tạp và khó thấy trước. Khi chính phủ liên bang áp dụng chương trình đổi mới thành thị, chính phủ đã không thấy trước được rằng các chương trình đó có thể dẫn đến giảm cung nhà ở cho người nghèo. Tương tự như vậy, chính phủ không dự đoán được sự tăng bất ngờ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe khi thực hiện chương trình chăm sóc y tế.
Kiểm soát hạn chế đối với những phản ứng của tư nhân. Chính phủ chỉ có sự kiểm soát hạn chế đối với những kết quả hành động của mình, đặc biệt trong phạm vi nền dân chủ như là nền dân chủ của chúng ta (*VF: Ở đây ý tác giả nói tới Hoa Kỳ). Khi thành phố New York thông qua văn bản luật pháp về kiểm soát tiền thuê nhà của thành phố mình, những người đề ra văn bản này đã bỏ qua một thực tế là nếu lợi nhuận bị giảm thì chủ tư nhân đang cho thuê nhà có thể quay sang đầu tư vào nơi khác. Những người ra văn
bản đã không dự đoán được rằng nhà cho thuê có thể giảm, và chất lượng dịch vụ cho thuê cũng có thể bị xuống cấp. Mặc dù chính phủ đã nỗ lực kiểm soát sự xuống cấp này bằng cách áp đặt các tiêu chuẩn phục vụ đối với các chủ cho thuê nhà, nhưng những áp đặt đó chỉ thành công một phần, và còn làm giảm nghiêm trọng hơn việc cho thuê nhà. Thành phố New York ít có khả năng chặn đứng việc này, ngoại trừ việc hủy bỏ các thể chế kiểm soát tiền thuê nhà.
Kiểm soát hạn chế đối với bộ máy hành chính quan liêu. Quốc hội và các cơ quan lập pháp bang và địa phương xây dựng luật pháp, nhưng giao quyền thực hiện cho một số cơ quan chính phủ nào đó. Cơ quan này có thẻ bỏ ra khá nhiều thời gian để viết các văn bản chi tiết; việc những văn bản này được soạn thảo ra sao là điều quyết định hiệu lực của các văn bản đó. Cơ quan này có thể chịu trách nhiệm về việc thi hành các văn bản pháp luật đó.
Ví dụ quốc hội thông qua đạo luật Bảo vệ môi trường với dụng ý rất rõ ràng là bảo đảm để các hãng không làm ô nhiễm môi trường. Song những chi tiết kỹ thuật , ví dụ như xác định mức độ ô nhiễm có thể được chấp nhận đối với các ngành khác nhau, lại giao cho cơ quan bảo vệ môi trường giải quyết. Trong hai năm đầu, dưới chính quyền Reagan đã xảy ra nhiều cuộc bàn cãi về việc liệu cơ quan bảo vệ môi trường có lỏng lẻo trong việc quy định và ban hành các quy định đó không. Do đó mà làm hỏng ý dụng của quốc hội.
Trong nhiều trường hợp, việc không thực hiện các ý định của Quốc hội không phải là những nỗ lực thiếu thận trọng nhằm tránh ý muốn của quốc hội. Còn có một vấn đề nữa là việc bảo đảm để những người thi hành luật pháp làm việc một cách công minh và có hiệu quả. Vì chủ đề chính trong điều tra về kinh tế học chuẩn là phân tích những khuyến khích trong khu vực tư nhân, do đó một trong những chủ đề nghiên cứu ở đây là phân tích các động cơ khuyến khích trong khu vực công cộng: nguyên nhân gì đã khiến các công chức hành động như họ vẫn làm?
Những hạn chế do các quá trình chính trị áp đặt. Ngay cả khi chính phủ được thông tin đầy đủ về những hậu quả của tất cả mọi hành động có thể có, thì việc lựa chọn trong số những hành động đó qua quá trình chính trị cũng có thể gây thêm những khó khăn. Hành động của chính phủ có ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng lại chỉ do một nhóm ít người quyết định, đó là những người đại diện đã được bầu ra. Những người ra quyết định phải tìm hiểu ý thích của những cử tri của mình và phải tìm ra cách gì đó để hòa giải hoặc lựa chọn cho những ý thích trái ngược nhau.
Người ta thường cho là chính phủ hoạt động không nhất quán. Ở chương 6 chúng tôi sẽ cho thấy là trong những hoàn cảnh nhất định, đây là hậu quả tự nhiên của chế độ ra quyết định dân chủ. Hơn nữa quá trình chính trị của chúng ta là một quá trình trong đó những người được bầu ra để phục vụ công chúng đôi khi có động cơ hành động vì lợi ích của cá nhóm lợi ích đặc biệt. Do đó, thất bại của các chính khách trong việc thực hiện công việc dường như vì lợi ích của công chúng, không chỉ là hậu quả của lòng tham hay ác ý của một số chính khách thất thường, mà đó là hậu quả không thể tránh khỏi của những công trình về thể chế chính trị trong xã hội dân chủ.
Những người chỉ trích sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế cho rằng, bốn lý do làm cho chính phủ thất bại đã đủ tầm quan trọng để chính phủ phải thận trọng trong việc cứu chữa cái gọi là tính phi hiệu quả của thị trường. Nhưng nếu có người không đồng ý với kết luận đó, thì việc công nhận bốn hạn chế đó trong hành động của chính phủ vẫn là tiền đề để xây dựng các chính sách thành công của chính phủ.