Trên thế giới hiện nay đang có rất nhiều tập đoàn lớn triển khai và sử dụng trọn gói bộ giải pháp ERP cho hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh trên hai lĩnh vực: Sản xuất chế tạo và Kinh doanh dịch vụ. Thực tế đã chứng minh được rằng, sự phối kết hợp giữa ERP và SCM đem lại cho các công ty năng lực cạnh tranh cao hơn, đồng thời thể hiện rằng đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và đầu tư. Theo các cuộc thăm dò do hãng nghiên cứu thị trường Meta Group tiến hành với sự tham gia của 63 công ty, chi phí trung bình cho một dự án ERP (bao gồm phần mềm, chi phí nhân công, tư vấn và phần cứng) sẽ vào khoảng 15 triệu USD. Mặc dù các dự án ERP phức tạp và có giá trị lớn, nhưng nếu được triển khai phù hợp và khoa học, chúng sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ. Cụ thể, nếu được triển khai toàn bộ, một hệ thống ERP có thể giúp công ty tiết kiệm trung bình hàng năm khoảng 1,6 triệu USD. Đối với các nhà quản trị, ERP là công cụ đắc lực để quản lý tập trung toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. ERP còn giúp doanh nghiệp đánh giá khu vực tập trung nhiều khách hàng, đánh giá những loại hình dịch vụ mà khách hàng ưa thích sử dụng… Bên cạnh đó, ERP còn mang lại nhiều lợi ích khác với các tính năng như: phát triển khả năng mua bán, đặt hàng hay đăng ký dịch vụ trực tuyến, điều phối toàn bộ giá cả cho các dự án, theo dõi, quản lý và sử dụng tài sản, xác định quyền hạn và trách nhiệm của từng cá nhân tham gia hệ thống....
Bài tập tình huống
4.7.1. Safeway phối hợp thiết kế chuỗi cửa hàng bằng cách liên kết chuỗi cung ứng trong nội bộ doanh nghiệp
Vấn đề
Safeway Plc, một nhà bán lẻ lớn tại UK (công ty con của Morrison Supermakets), mỗi năm xây dựng thêm khoảng 10 cửa hàng và đổi mới khoảng 100 cửa hàng khác. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với những siêu thị khác, công ty cần quản lý việc xây dựng cửa hàng mới hợp lý để đáp ứng thời gian và ngân sách. Công việc này thực sự không đơn giản khi hàng trăm nhân viên phải phối hợp với hàng trăm nhà cung cấp trong quá trình thiết kế, xây dựng và quản lý các trang thiết bị.
Trước đây, việc giao dịch được thực hiện qua các phương tiện truyền thống và thư điện tử, quá trình này chậm và không hiệu quả vì các cửa hàng phân bố rộng khắp nước Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland. Bên cạnh đó, Safeway còn phải xây dựng các công trình công cộng khác như trường học, cầu, đường miễn phí cho các địa phương để đổi lấy đất xây cửa hàng. Các loại công trình khác nhau làm tăng tính phức tạp của việc quản lý các công trình.Giải pháp
Sử dụng giải pháp quản lý dự án trực tuyến Buzzsaw (autodesk(vietnam12h.com)) công ty có thể lưu trữ các tài liệu dự án tại một điểm an toàn để mọi người liên quan có thể truy cập. Cổng thông tin này cho phép các phòng ban bên trong công ty và các đối tác bên ngoài (nhà xây dựng, tư vấn, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng…) có thể truy cập.
Người sử dụng có thể xem các bản vẽ, thay đổi và trao đổi với những người liên quan. Buzzsaw cũng tự động kiểm tra và thông báo những thay đổi được thực hiện.
Kết quả
Việc giao dịch đã giảm từ 2 đến 3 tuần xuống còn 5 đến 10 phút. Hơn nữa, do quá trình thiết kế nhanh, các thiết kế đều sử dụng những thành tựu mới nhất. Các siêu thị đều có thể sử dụng những thiết kế mới nhất. Buzzsaw cho phép các cửa hàng của Safeway dẫn đầu trên thị trường với các thiết kế mới như Internet Café…
Một lợi ích của hệ thống là giảm thời gian đi lại của các kỹ sư, kiến trúc sư. Chi phí đi lại giảm 10-15%. Chi phí in ấn giảm 30%. Thời gian thực hiện dự án cung giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng. Thay đổi thiết kế giảm từ 1-2 ngày xuống còn 5-10 phút.
Việc phối kết hợp cho phép người dùng nắm bắt các thông tin quan trọng đồng thời cho phép xác định thời điểm ra quyết định hợp lý nhất.
4.7.2. Chuỗi cung ứng của Cisco: Thành công & thất bại
Đối với tất cả giới kinh doanh và sản xuất, thành công của Cisco khiến mọi người kinh ngạc vì thực tế Cisco System không sản xuất các thiết bị phần cứng của họ, đồng thời cũng không viết các phần mềm của mình. Tất cả các hoạt động này đều được thuê ngoài (outsource). Về cơ bản, Cisco chỉ thiết kế sản phẩm, nghiên cứu và phát triển; đặt hàng các nhà sản xuất theo đúng thiết kế đã hoàn thành; sau đó tập trung vào marketing và bán hàng. Khi khách hàng quyết định mua hàng của Cisco, hợp đồng mua bán được thành lập, Cisco sẽ chuyển hợp đồng trực tiếp đến nhà cung cấp và nhà cung cấp sẽ trực tiếp giao hàng đến cho khách hàng. Những nhà cung cấp của Cisco và nhà cung cấp của những nhà cung cấp này thậm chí cũng làm việc với đối thủ của Cisco. Đồng thời, khách hàng của Cisco cũng có thể mua hàng từ Cisco hoặc từ các nhà cung cấp của họ.
Hệ thống trên xem ra hoạt động rất tốt và lợi nhuận của Cisco tăng nhanh và giá cổ phiếu của Cisco cũng vậy. Tuy nhiên, tháng 5/2001, Cisco tuyên bố khoản nợ 2.2 tỷ đô la Mỹ trị giá hàng lưu kho, nguyên nhân chính được các nhà phân tích chỉ ra là do thất bại trong tích hợp hệ thống cung cấp.Vấn đề có nguồn gốc từ khách hàng của Cisco, ước tính nhu cầu cao và khả năng thiếu hụt lớn nên đặt hàng tại cả Cisco và đối thủ của Cisco với ý định mua từ nhà cung cấp nào nhanh hơn và rẻ hơn, khi đó sẽ hủy đơn hàng từ các nhà cung cấp còn lại. Không biết được tình hình về các đơn đặt hàng trùng lặp này, hệ thống cung cấp của Cisco đưa ra dự báo về nhu cầu rất lớn. Các nhà cung cấp của Cisco cũng tránh thiếu hụt linh kiện bằng cách đặt hàng với số lượng lớn từ các nhà cung cấp của họ. Các nhà sản xuất linh kiện cũng không biết được vấn đề đặt hàng trùng lặp nên tiến hành sản xuất. Khi thực hiện đơn hàng, thực tế Cisco nắm giữ số lượng thiết bị nhiều gấp ba lần lượng hàng có nhu cầu thực tế. Do đặc thù công nghệ lạc hậu nhanh, những thiết bị này nhanh chóng trở thành món hàng vô giá trị.
Bài học thất bại của Cisco cho thấy tầm quan trọng của việc ước tính chính xác nhu cầu thị trường. Nếu những ước tính ban đầu không chính xác, các tính toán sau này sẽ tiếp tục đưa ra kết quả sai lầm.
Cisco sửa sai bằng việc cải tiến hệ thống cung cấp thông qua cổng eHub, cổng này cung cấp các thông tin minh bạch đến tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung cấp Cổng này do Viacore.net quản lý với nhiều tiềm năng cải tiến dự đoán nhu cầu thị trường.